MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Không chỉ cấm xe máy, Hà Nội, TP.HCM cần có lộ trình cấm ô tô cá nhân

13-03-2019 - 16:37 PM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng không chỉ cấm xe máy, Hà Nội và TP.HCM cần lộ trình hạn chế, tiến tới cấm cả ô tô và các phương tiện cá nhân.

Mới đây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu có thể thí điểm trước tại một trong hai tuyến là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.

Dù lãnh đạo Sở GTVT khẳng định không thực hiện nóng vội mà sẽ nghiên cứu thấu đáo và lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.

Chia sẻ với VTC News về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc hạn chế xe máy là cần thiết, tuy nhiên không chỉ cấm xe máy, các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cần hạn chế và tiến tới cấm cả các loại hình phương tiện giao thông cá nhân khác như ô tô.

Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng phải có lộ trình thật kỹ, thật chu đáo, hữu hiệu để có lợi nhất cho giao thông, có lợi nhất về mặt kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh.

ĐBQH: Không chỉ cấm xe máy, Hà Nội, TP.HCM cần có lộ trình cấm ô tô cá nhân - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

- Vì sao cần phải sớm thực hiện việc cấm xe máy đi vào nội thành Hà Nội, thưa ông?

Đặc thù ở Việt Nam khác so với một số quốc gia trên thế giới. Trên thế giới, họ đi xe ô tô và đi phương tiện công cộng nhiều, còn ở ta, ta sản xuất xe và nhập xe gắn máy số lượng cực kỳ lớn. Có thể nói không có quốc gia nào trên thế giới đi xe gắn máy, xe cá nhân nhiều như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ xe máy gây ách tắc giao thông, nếu chỉ đổ cho xe máy không thì chưa hẳn, xe ô tô cá nhân ở Việt Nam cũng không phải là ít. Tôi cho rằng xe gắn máy và xe ô tô ở Việt Nam chiếm một số lượng rất lớn vào nội thành và là nguyên nhân gây ách tắc giao thông.

Đặc thù của Việt Nam nhiều xe máy và ô tô cá nhân nhưng lượng xe công cộng rất ít và tỷ lệ đường giao thông trên dân số của chúng ta cũng quá thấp, cho nên việc hạn chế xe máy và ngay cả xe ô tô cá nhân là cần thiết.

ĐBQH: Không chỉ cấm xe máy, Hà Nội, TP.HCM cần có lộ trình cấm ô tô cá nhân - Ảnh 2.

ĐBQH Phạm Văn Hòa Tôi rất đồng tình việc sớm hạn chế xe gắn máy nhưng phải hạn chế ngay cả ô tô cá nhân đi vào nội đô. ĐBQH Phạm Văn Hòa


Tuy nhiên, việc hạn chế phải tính toán thật chặt chẽ, chi ly để những tuyến đường nào hạn chế, phải có lộ trình nhất định chứ không thể nào làm liền được, bởi vì hiện nay nhu cầu đi xe gắn máy, xe ô tô cá nhân của người dân rất là lớn.

Khi mà hạn chế hoặc cấm tuyệt đối thì những xe họ đang sử dụng sẽ phải tìm cách giải quyết và xử lý thế nào, trong khi đó phương tiện phục vụ công cộng của chúng ta rất thấp?

Tôi rất đồng tình việc sớm hạn chế xe máy nhưng phải hạn chế ngay cả xe ô tô cá nhân đi vào nội đô. Đừng chỉ đổ cho xe máy bởi vì xe ô tô cá nhân cũng gây tắc đường rất nhiều vì xe ô tô chiếm diện tích trên đường nhiều hơn xe máy, xe máy thậm chí còn cơ động hơn.

Theo tôi nghĩ việc tính toán cấm phương tiện cá nhân phải tính toán thật kỹ, thật chi li, được sự đồng tình của cộng đồng, dân cư để khi mà đã có văn bản ban hành rồi, đã có hiệu lực pháp luật rồi thì việc thực thi pháp luật sẽ nghiêm minh và được người dân ủng hộ, chấp hành một cách tốt nhất.

Tất nhiên chúng ta phải đảm bảo vấn đề xe phục vụ công cộng để cho người dân đi thuận lợi, dễ dàng và đạt hiệu quả hơn.

- Trong một phát biểu mới đây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội không chỉ giảm phương tiện giao thông cá nhân đối với xe máy mà giảm tất cả các loại phương tiện giao thông cá nhân, kể cả ô tô, thưa ông?

Người ta thường quan niệm xe máy phục vụ cho người nghèo, còn những người đi ô tô là người có tiền thì mình dùng biện pháp kinh tế đối với ô tô tôi thấy rất hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng cần tiến tới cấm luôn chứ không chỉ hạn chế hoặc áp dụng giải pháp kinh tế, chẳng hạn có thể cấm ô tô theo giờ trên những tuyến đường nhất định.

Như vậy sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn và cũng đảm bảo yếu tố công bằng giữa xe ô tô và xe máy. Đôi khi người dân không hiểu người ta nghĩ ô tô là phương tiện của người giàu còn xe máy là của người nghèo, chúng ta lại không đứng về phía người nghèo mà lại ưu tiên cho người giàu thì như thế cũng không hay lắm.

ĐBQH: Không chỉ cấm xe máy, Hà Nội, TP.HCM cần có lộ trình cấm ô tô cá nhân - Ảnh 3.

Đường Nguyễn Trãi - một trong hai tuyến đường Hà Nội dự định thí điểm cấm xe máy, luôn tắc cứng trong giờ cao điểm.

- Thông tin Hà Nội dự định thí điểm dừng hoạt động xe máy tại 2 tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào hoạt động ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, trong đó có không ít ý kiến phản đối?

Theo tôi trong tình hình tắc đường giao thông ở Hà Nội đang ở mức rất nghiêm trọng như hiện nay thì việc hạn chế lưu lượng xe cá nhân trên một số điểm hay gây tắc đường là hợp lý.

Tất nhiên Hà Nội phải tính toán thật kỹ để đảm bảo phục vụ người dân, đặc biệt là những người lao động thường phải dùng xe máy để kiếm sống hàng ngày, đảm bảo cuộc sống cho người ta tốt hơn.

Phương tiện công cộng phải sử dụng đắc lực hơn và có trách nhiệm hơn. Một điều nữa là trách nhiệm của thanh tra giao thông, trách nhiệm của cảnh sát giao thông phải cương quyết, nghiêm mình thì sẽ thực hiện được.

Hà Nội với tình hình tắc đường như hiện nay mà không có một giải pháp tối ưu nhất, trong khi đường giao thông chúng ta không mở ra được, đường cao tốc trên không, đường ngầm như một số quốc gia trên thế giới lại không có thì tình hình tắc đường như vậy rất nguy hại, không chỉ về tình hình trật tự an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến ninh trật tự an ninh của Hà Nội nữa.

- Từ việc thí điểm cấm xe máy ở 1, 2 tuyến đường, sẽ phải có lộ trình thế nào để tiến tới cấm hoàn toàn xe máy đi vào nội đô, thưa ông?

Tôi rất thống nhất, đồng tình và tôi thấy phương án thí điểm ở một số tuyến đường phù hợp ở chỗ, khi thí điểm 1, 2 tuyến đường nào đó, sau một thời gian chúng ta sẽ có tổng kết việc thí điểm thực hiện như thế nào, ra làm sao.

Khi đó nếu được, có hiệu quả, người dân không phản ứng hoặc có thể chỉ phản ứng mức độ ban đầu, chúng ta sẽ xem xét đến cái lợi là gì, cái hại là gì và tổng kết để tính đến phương án.

Nếu thực hiện không thành công thì cũng không nên nhân rộng mà mà phải tính giải pháp khác. Còn nếu thành công thì chúng ta sẽ nhân rộng, tất nhiên cái nhân rộng đó mình sẽ có lộ trình nhất định để đảm bảo thủ đô Hà Nội được bình yên và hạn chế đến mức thấp nhất ách tắc trên đường.

- Các nhà quản lý cần phát triển các loại hình phương tiện giao thông công cộng thế nào, thưa ông?

Nên có đầu tư, có thể là hạn chế một số đầu tư công trên một số lĩnh vực khác để đầu tư giao thông công cộng cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Tôi cho rằng giải pháp lâu dài, căn cơ là chúng ta mở thêm đường giao thông, phát triển giao thông công cộng thì lúc đó chúng ta mới hạn chế đến mức thấp nhất việc tắc đường.

Về lâu dài, căn cơ cốt lỗi là phải mở rộng giao thông công cộng như một số quốc gia trên thế giới.

Họ mở giao thông trên không, họ mở dưới đất, chúng ta có thể còn nghèo chưa có điều kiện nhưng chúng ta phải có tích lũy và phải xem xét thật chu đáo, hạn chế những đầu tư công ở những mặt mà chưa hiệu quả hoặc không cần thiết để đầu tư cho 2 thành phố lớn về giao thông thì sẽ tốt.

Video: Vì sao Hà Nội thí điểm cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương?

- Loại hình giao thông công cộng thích hợp nhất với điều kiện của Hà Nội và TP.HCM lúc này, thưa ông?

Dân số của Hà Nội và TP.HCM quá đông đúc, không phải dân số tự nhiên mà còn là dân số cơ học, thậm chí theo tôi biết dân số cơ học còn nhiều hơn dân số tự nhiên. Vì vậy việc đầu tư giao thông công cộng theo tôi hiện nay nên phát triển tàu điện ngầm là phù hợp.

Phát triển tàu điện ở dưới lòng đất, rồi có thể kéo theo nhà hàng, quán ăn, thậm chí công viên, bãi đậu xe cũng có thể đưa xuống lòng đất để hạn chế không gian chiếm dụng của người dân cũng như lưu lượng người đi lại trên mặt đất.

Trên không cũng vậy, khi đường sắt trên cao được xây dựng thì có thể làm nhiều tuyến đường 1 tầng, 2 tầng ở trên cao, sẽ hạn chế số lượng dưới mặt đất.

Tất nhiên, chi phí sẽ phải tốn kém nhưng những nhà chiến lược về giao thông và kinh tế có thể tính toán cho chúng ta rất chi li.

Tôi nghĩ chỉ có chiếm dụng không gian trên không và dưới lòng đất thì tình hình giao thông ở 2 thành phố lớn của chúng ta sẽ được cải thiện hơn.

- Bên cạnh vấn đề phát triển giao thông công cộng thì vấn đê tâm lý xã hội cũng là yếu tố rất quan trọng, làm sao để người dân chấp nhận việc cấm xe máy cũng như các phương tiện công cộng, thưa ông?

Về mặt tâm lý phải có tuyên truyền, vận động thuyết phục để người dân hiểu và biết được rằng tình hình ách tắc giao thông gây cản trở nghiêm trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như quốc phòng an ninh thế nào.

Tất nhiên, buổi đầu sẽ gây phản ứng rất quyết liệt, những người sử dụng phương tiện cá nhân sẽ không hài lòng nhưng chúng ta thấy mặt ưu điểm, chúng ta kiên trì, thuyết phục vận động hoặc thậm chí hỗ trợ về mặt kinh tế thì tôi nghĩ  sẽ hiệu quả.

Một điều nữa là không được mở đại lý, không được nhập xe máy vào thủ đô Hà Nội và hạn chế những biển số xe ngoại tỉnh, phải kiểm tra gắt gao nữa. Cần phải đi kèm nhiều giải pháp căn cơ hữu hiệu thì sẽ hiệu quả hơn và tốt hơn.

Hiện nay thủ đô Hà Nội đâu chỉ có xe của Hà Nội đâu mà các tỉnh đổ dồn về đó rất nhiều, rồi các đại lý xe cũng rất đông, họ bán xe là để phục vụ cá nhân nên cần phải hạn chế.

Nói tóm lại, việc cấm xe máy trong tình hình hiện nay là rất cần thiết, không chỉ cấm xe máy mà cần cấm cả ô tô và các phương tiện cá nhân khác. Tuy nhiên, phải có lộ trình thật kỹ, thật chu đáo, hữu hiệu để có lợi nhất cho giao thông , có lợi nhất về mặt kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Xuân Trường

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên