ĐBQH: Không có cơ sở nói Luật An ninh mạng hạn chế quyền con người, quyền công dân
Việc ban hành Luật để quản lý, điều chỉnh đối tượng. Tất cả các hành vi bị cấm, không được thực hiện trong Luật thì mọi người phải chấp hành - đại biểu Sinh nhấn mạnh.
- 12-06-2018Luật An ninh mạng: Những thông tin bị nghiêm cấm và hình thức xử lý
- 12-06-2018Toàn văn Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua
- 12-06-2018Quốc hội chính thức thông qua Luật An ninh mạng
- 12-06-2018Phát phiếu lấy ý kiến ĐBQH về điều 10 và điều 26 Luật An ninh mạng
Trao đổi với PV bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, Chủ tịch Quốc hội sẽ ký chứng thực và đến thời điểm Luật có hiệu lực thi hành (1/1/2019), Chủ tịch nước sẽ ký quyết định công bố. Văn phòng Chủ tịch nước đồng thời tổ chức họp báo công bố Luật.
Sau khi Luật có hiệu lực, các cơ quan hữu quan của Chính phủ sẽ tổ chức triển khai thực thi.
"Theo quy định của pháp luật, trong phạm vi thời gian từ khi Quốc hội thông qua đến lúc Luật An ninh mạng có hiệu lực, Chính phủ phải ban hành, hoàn thiện Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật và văn bản này sẽ cùng có hiệu lực với Luật", ông Xuyền cho biết.
Theo ông Xuyền, Luật An ninh mạng không có quy định nào kiểm soát, xâm phạm đến đời tư của người dùng trên mạng xã hội, internet hay hạn chế quyền công dân.
Luật chỉ tập trung vào phòng ngừa, xử lý, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh trật tự trên không gian mạng. Mọi người vẫn sử dụng mạng xã hội, internet tự do trong khuôn khổ, hành lang pháp lý.
"Nếu người sử dụng mạng xã hội không xâm phạm các quy định cấm, không xâm phạm an ninh quốc gia thì vẫn hoạt động bình thường và không bị bất cứ cản trở nào.
Nếu có hành vi vi phạm, xâm phạm an ninh (phát tán bài viết, nội dung... gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đất nước...) cơ quan chức năng sẽ có biện pháp can thiệp yêu cầu gỡ bỏ, xử lý.
Trong trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc tạo hành lang pháp lý như vậy để giúp hoạt động trên không gian mạng đi vào trật tự, đúng pháp luật và mọi thứ hoạt động tốt hơn - ông Xuyền nêu rõ.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng.
Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thông tin thêm, sau khi Dự thảo Luật được đưa ra Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất vào kỳ họp thứ 4, đã có nhiều ý kiến khác nhau của nhân dân, cử tri, doanh nghiệp, kể cả tổ chức quốc tế.
"Sau đó, Thường vụ Quốc hội đã giao cho cơ quan soạn thảo được Chính phủ giao là Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh được giao thẩm tra tiếp thu các ý kiến.
Đến nay, nhiều ý kiến đã được tiếp thu như Luật thông qua đã không còn việc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông xuyên biên giới đặt máy chủ tại Việt Nam.
Thay vào đó, các doanh nghiệp chỉ cần đặt văn phòng đại diện, chi nhánh. Thực tế Luật Doanh nghiệp đã quy định cụ thể. Còn theo báo cáo của cơ quan có thẩm quyền, Facebook cũng đang muốn đặt chi nhánh để hoạt động tốt, hiệu quả hơn", ông Xuyền nói.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh.
Còn theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), hai điều quan trọng nhất trong Luật: Điều 10 quy định về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và Điều 26 quy định bảo đảm thông tin trên không gian mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến riêng các đại biểu.
"Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi thấy rõ, không có cơ sở để nói Luật An ninh mạng ban hành sẽ hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Việc ban hành Luật để quản lý, điều chỉnh đối tượng nên không thể một mình một chợ và tất cả các hành vi bị cấm, không được thực hiện trong Luật, mọi người phải chấp hành, điều này vì lợi ích chung nhằm bảo vệ quốc gia, dân tộc", ông Sinh nói.
Trí Thức trẻ