MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH kỳ vọng gì vào nữ Bộ trưởng "đặc biệt nhất" trong Chính phủ?

29-07-2016 - 08:03 AM | Xã hội

Là nữ Bộ trưởng duy nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là thành viên duy nhất không phải Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội trong Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021.

Không kiêm nhiệm vẫn có thể làm tốt

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho rằng với những điều đặc biệt trên, hy vọng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có nhiều thì giờ hơn tập trung cho ngành.

“Bộ trưởng rất tâm huyết và có nhiều cái muốn làm nên tôi nghĩ cũng là hợp lý để Bộ trưởng có thêm thời gian hoàn thành những việc đó. Chúng ta không nên đặt nặng có là Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội hay không. Ở các nước không có cơ chế kiêm nhiệm mà người ta vẫn làm tốt, giờ chúng ta hãy thử kiểm nghiệm.

Tất nhiên, không phải là Ủy viên TƯ Đảng cũng là điều đáng tiếc nhưng đã xảy ra rồi thì nên chấp nhận. Nếu như mở rộng ra các Bộ trưởng khác, các thành viên khác trong Chính phủ mà không câu nệ phải là Ủy viên TƯ Đảng thì chúng ta sẽ có quỹ nhân tài lớn hơn để lựa chọn”– đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định.

Thực tế ngành Y tế hiện nay còn quá nhiều vấn đề tồn tại, một nhiệm kỳ 5 năm vừa qua theo đại biểu Phong Lan khiến Bộ trưởng không giải quyết được tận gốc vấn đề tồn tại. Vì thế, ở nhiệm kỳ này, một trong những điểm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cần phải lưu ý là chiến lược, chính sách làm như thế nào để đồng bộ, tránh sa đà vào những vấn đề tiểu tiết.

“Đương nhiên những tiểu tiết cũng tốt thôi, nhưng nếu cái căn bản chưa giải quyết được thì luôn luôn chạy theo những sự vụ mà thôi, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành, lắng nghe nhiều hơn” – đại biểu Phong Lan nhấn mạnh.

Cần nghiên cứu cơ chế để thúc đẩy Y tế phát triển

Ngoài ra, đại biểu Phong Lan cho rằng, người tư lệnh ngành Y tế cần phải nghiên cứu áp dụng cơ chế tài chính làm sao để Y tế phát triển. Theo đó, chúng ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường, mọi thứ đều tính theo giá thị trường nhưng riêng y tế muốn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Và việc áp dụng BHYT như các nước, lo triển khai BHYT toàn dân là cách để lo cho dân.


Đại biểu Nguyễn Khánh Phong Lan mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế lắng nghe nhiều hơn.

Đại biểu Nguyễn Khánh Phong Lan mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế lắng nghe nhiều hơn.

“Thực tế nhà nước đã chi trả BHYT cho người nghèo, cho những người tham gia bảo hiểm tuy chỉ ở mức thấp (thấp nhất thế giới) nhưng lại yêu cầu phải bao hết các chi phí y tế. Hệ quả của việc này là phải áp mức giá y tế thật thấp, khi áp đặt giá y tế thật thấp thì dẫn đến hiện trạng ở tất cả các cơ sở y tế song song tồn tại 2 giá: giá dịch vụ, giá bảo hiểm y tế.

Giá dịch vụ thì luôn cao hơn. Theo quy luật thì người ta sẽ có cảm tưởng rằng hễ vô mà sử dụng dịch vụ thì chất lượng sẽ tốt hơn cũng như đi vào bệnh viện tư nhân sẽ được đối xử tử tế hơn” – đại biểu Phong Lan nói.

Đại biểu Phong Lan cũng phân tích thêm, khi giá bảo hiểm đó không đủ sức để mà cung ứng, bù đắp lại chi phí thường xuyên thì càng ngày cơ sở vật chất của các cơ sở y tế càng xuống cấp, nghèo nàn, kỹ thuật mới không được triển khai, người tài chạy ra ngoài. Cái vòng luẩn quẩn nảy sinh: chất lượng không tốt, người dân lại kêu ca, lại phàn nàn.. Và thế là cứ bịt lỗ này lại hổng lỗ khác!

Một điều nữa mà đại biểu Phong Lan muốn gửi gắm tới Bộ trưởng Bộ Y tế là phải xem lại đào tạo, cơ chế đãi ngộ. Theo đó, ở bất cứ đất nước nào, không chỉ riêng Việt Nam sinh viên thi vào các trường Y, Dược đều là tầng lớp học giỏi nhất, tinh hoa nhất thì mới đậu. Nhưng ở ta có 2 sai lầm: Cái thứ nhất coi học hành đặc biệt khó nhưng ra được làm tại một bệnh viện công nào lại như một ân huệ. Thứ hai chúng ta vẫn áp dụng hình thức đào tạo liên thông, chuyên tu và cử tuyển. Hệ quả là rất nhiều những bác sĩ, dược sĩ ra trường chất lượng không bảo đảm.

Bên cạnh đó, khi đã học Y xong hết sức vất vả nhưng khi đi làm chế độ đãi ngộ cũng như những công chức viên chức khác.

“Bản thân tôi, tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài về, tôi cũng mất 2 năm lãnh 85% lương tập sự bậc 1 như mọi người và thi biên chế. Như vậy các em mới ra trường làm sao lo được cho gia đình, cho bản thân.Trong khi đó nếu chịu khó tích lũy kiến thức rồi đi làm ngoài lương cao hơn nhiều” – đại biểu Phong Lan cho biết.

Theo đại biểu Phong Lan thì cứ trả lương cao là người ta làm. Mà việc trả lương cao là một cách đánh giá của xã hội, không cần phải hô khẩu hiệu nào là nghề cao quý, nào là lương y như từ mẫu nhưng mà mức lương không đủ sống thì làm sao cán bộ y tế bồi bổ và cống hiến được.

“Ai cũng muốn sống có đạo đức, nhiệm vụ của quản lý ngành là phải làm sao xây dựng cơ chế chính sách, đặt ra tiêu chí chất lượng, theo dõi giám sát để người ta đáp ứng được chuyện đó nhưng mà cũng phải tạo điều kiện cho người ta có thể áp dụng” – đại biểu Phong Lan nhìn nhận.

Theo N. Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên