MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Chưa có căn cứ chứng minh ý kiến ĐBQH gây sức ép lên HĐXX vụ bác sĩ Lương

28-05-2018 - 11:38 AM | Xã hội

Theo ông Chiến, hiện nay không có quy định nào cấm các đại biểu Quốc hội, cử tri, báo chí được lên tiếng, phát biểu khi vụ án như vụ bác sĩ Lương đang được tòa xét xử.

Ý kiến của ĐBQH sẽ giúp HĐXX xem xét vụ án kỹ càng

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội vào sáng 26/5 đã diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa một số ĐBQH về phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương .

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) lên tiếng về một số ý kiến được ĐBQH phát biểu khi phiên xử bác sĩ Lương đang diễn ra và cho rằng, đánh giá, kết luận vụ việc có oan sai, thậm chí dẫn dắt cho dư luận có tội hay không có tội là cảm tính, không phù hợp, gây sức ép cho HĐXX...

Sau phần phát biểu của đại biểu Sinh, nhiều đại biểu đã giơ biển tranh luận, bày tỏ không đồng tình với quan điểm trên.

Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Hà Nội (ông Chiến là một trong các luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương) cho hay, sau ý kiến của đại biểu Sinh, ông giơ biển tranh luận lại nhưng do thời gian ở hội trường không cho phép; vụ án cũng đang được xét xử nên chủ tọa đề nghị tạm dừng.

Chia sẻ quan điểm bên lề quốc hội, ông Chiến bày tỏ không đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh khi nói rằng ý kiến của các ĐBQH cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương không phạm tội là cảm tính, dẫn dắt dư luận.

Ông nói quan điểm của đại biểu Sinh không phù hợp và hiện nay không có quy định nào cấm các ĐBQH, cử tri, báo chí được lên tiếng, phát biểu khi vụ án đang được xét xử.

 ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Chưa có căn cứ chứng minh ý kiến ĐBQH gây sức ép lên HĐXX vụ bác sĩ Lương - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: Như Hoàn.

Theo ông Chiến, ý kiến của các ĐBQH nêu ra cho thấy mọi người đang theo dõi vụ án, diễn biến phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương rất sát, đầy đủ qua phản ánh của báo chí.

Các ý kiến này thể hiện rõ trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri, nhân dân với vấn đề đang được xã hội quan tâm. Khi phát biểu, ĐBQH đều chịu trách nhiệm về các phát ngôn của mình.

"Cá nhân tôi cũng sẽ có ý kiến khách quan, công tâm, chính xác để mọi người hiểu rõ và chịu trách nhiệm về việc này", đại biểu Chiến nói.

Ông Chiến nêu rõ hoạt động xét xử của HĐXX hoàn toàn độc lập, tuân theo pháp luật. Các ý kiến của ĐBQH, báo chí về vụ việc của bác sĩ Lương, về vụ án, không thể dẫn dắt hay gây sức ép lên HĐXX.

"Thực tế chưa có bất cứ căn cứ nào chứng minh ý kiến của ĐBQH đang dẫn dắt dư luận trong vụ án, hay tạo sức ép cho cơ quan tiến hành tố tụng phải xử theo hướng đó.

Khi dư luận, báo chí, ĐBQH quan tâm, các ý kiến sẽ giúp cơ quan tiến hành tố tụng xem xét một cách kỹ càng. Quá trình xét xử đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, trên cơ sở có căn cứ hợp pháp, nhận định mang tính khoa học pháp lý", ĐBQH Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.

Việc ông Trương Quý Dương không có mặt tại tòa là sự chậm trễ

Chia sẻ góc nhìn về vụ việc với tư cách một luật sư, ông Chiến cho rằng, trong vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương, về mặt lý và trách nhiệm thì người từng là giám đốc bệnh viện phải có mặt. Tuy nhiên, dù đang là người có quyền, nghĩa vụ liên quan nhưng ông Trương Quý Dương lại đi nước ngoài, không đến phiên tòa.

 ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Chưa có căn cứ chứng minh ý kiến ĐBQH gây sức ép lên HĐXX vụ bác sĩ Lương - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình.

"Tất cả những người tham dự cũng như theo dõi phiên tòa đều nhận thấy sự có mặt của ông Trương Quý Dương là hết sức cần thiết. Việc không có biện pháp để ông Dương có mặt trả lời các yêu cầu trong quá trình xét xử là một sự chậm trễ. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng", ông Chiến nêu quan điểm.

Theo luật sư Chiến, đây là vụ án có tính chuyên môn cao. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử vừa qua, tòa án triệu tập nhưng người làm chứng vắng mặt, thậm chí đã mời họ đến tòa để thực hiện trách nhiệm của mình nhưng lại tiếp tục có đơn xin vắng mặt, nên việc làm rõ sự thật, bản chất của vụ án chưa đáp ứng được.

Đơn cử như việc luật sư đề nghị tòa án triệu tập đại diện của hội đồng chuyên môn, các chuyên gia hiểu biết về máy lọc thận, màng lọc RO để làm rõ vấn đề kỹ thuật thuộc chuyên môn của ngành y, nhưng HĐXX không chấp nhận, cho rằng không cần thiết.

Nếu tòa chỉ xử ở góc độ thẩm vấn những người có mặt ở phiên tòa, chủ yếu là các bị cáo và một số người trong đơn nguyên thận thì sẽ không giải quyết được về vấn đề chuyên môn, khoa học trong lọc máu, chạy thận cũng như khoa học pháp lý của hình sự.

Nhận định về diễn biến của phiên tòa, ông cho rằng, phiên tòa đang trong quá trình tranh tụng nhưng qua các bằng chứng, chứng cứ được luật sư đưa ra đã làm rõ vi phạm tố tụng ngay từ ban đầu trong việc thu thập chứng cứ buộc tội bác sĩ Lương.

Ông Chiến cho rằng có các chứng cứ "tạo dựng", không được thu thập theo đúng trình tự pháp luật tố tụng nên về nguyên tắc không có giá trị pháp lý.

Về trách nhiệm, người bác sĩ đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy chế bệnh viện, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại dựa vào lời khai, phân công giao ban là đặc thù của ngành y để chuyển hóa thành nhiệm vụ về quản lý hành chính, từ đó quy sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi về trách nhiệm chuyên môn, bác sĩ Lương đã làm đầy đủ và cơ quan chức năng xem xét không vi phạm nên cơ quan điều tra, truy tố phải đình chỉ tội danh Vi phạm quy định khám chữa bệnh.

"Trong phiên tòa, các vấn đề nhận thức xác định chủ thể đặc biệt của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và giữa quản lý về mặt chuyên môn của bác sĩ với lãnh đạo, quản lý hành chính đã được các luật sư làm rõ. Theo tôi, HĐXX cần phân biệt cụ thể.

Hiện phiên tòa đang diễn ra nhưng từ kết quả tranh tụng, tôi tin sẽ giúp HĐXX có bản án tuyên đúng người, đúng tội và có căn cứ, xem xét không đủ căn cứ kết tội bác sĩ Lương", luật sư Chiến nhìn nhận.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên