ĐBQH: "Nhà ở xã hội còn thiếu khi doanh nghiệp sợ thủ tục"
Đại biểu Quốc hội nhìn nhận, các DN bỏ tiền làm nhà ở xã hội đều mong nhanh chóng thu hồi vốn để giảm chi phí, nhưng thủ tục hành chính kéo dài khiến các DN gặp vướng mắc và thiệt hại rất lớn.
- 19-06-2023Ông chủ APEC Nguyễn Đỗ Lăng từng tham vọng xây 10 triệu căn hộ “nhà ở xã hội 5 sao” với giá chỉ 10 triệu đồng/m2
- 19-06-2023Nhà ở xã hội: Người thu nhập cao tranh mua, ĐBQH đề xuất chỉ dành cho thuê
- 17-06-2023Toàn cảnh dự án nhà ở xã hội đạt kỷ lục 26 lần mở bán vẫn ế
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là một trong số 10 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, có liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đáng chú ý, chính sách về nhà ở xã hội (NOXH) là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này, với mục tiêu hướng đến chính sách phát triển NOXH, đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân.
Bên hành lang Quốc hội, PV có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa bà, sửa đổi và hoàn thiện Luật Nhà ở xác định mục tiêu đảm bảo tính đồng bộ, tránh xung đột với các luật khác. Quan điểm của bà như thế nào trong thảo luận sửa Luật để tăng tính đồng bộ?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Luật Nhà ở liên quan đến rất nhiều luật khác nhau, chẳng hạn như Luật Đất đai đang sửa đổi, Luật Đầu tư. Chính vì vậy, khi xem xét sửa đổi phải nhìn nhận một cách tổng thể và toàn diện trong mối tương quan với các luật khác, tránh tình trạng sửa luật này nhưng lại vướng vào luật kia sẽ tạo ra sự xung đột pháp lý.
Thực tế cho thấy đã có tình trạng khi đi vào thực hiện Luật này đã gặp phải nhiều vướng mắc do gặp phải xung đột pháp lý với các luật khác. Do đó, khi xem xét sửa đổi một loạt cần có sự đối chiếu một cách toàn diện với các luật có liên quan để phù hợp nhất, và quan trọng hơn cả là điều khoản chuyển tiếp của luật khi đi vào thực hiện.
PV: Phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp nhiều năm qua vẫn không có nhiều tiến triển, bà nhìn nhận thực trạng này ra sao?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Thực tế phản ánh từ các DN xây NOXH cho thấy, dù họ đã có được sự hỗ trợ rất cần thiết nhưng dường như chưa trúng những điều DN cần. Có thể thấy sự hỗ trợ về tài chính là vô cùng cần thiết bằng việc miễn tiền sử dụng đất xây NOXH là rất quan trọng, nhưng các DN phản hồi rằng, điều cần thiết nhất vẫn là hỗ trợ các thủ tục hành chính. Bởi với DN khi bỏ tiền làm NOXH họ đều mong nhanh chóng thu hồi vốn, giảm chi phí. Cho nên, khi thủ tục hành chính còn kéo dài, DN sẽ vướng mắc và thiệt hại rất lớn nên họ sẽ không thiện chí làm NOXH.
Theo tôi được biết, hiện nay thủ tục hành chính để làm NOXH từ lúc xác định địa điểm đến lúc tính xong tiền thuế đất để miễn cho DN, thủ tục đấy rất lâu mới ra được số tiền cụ thể rồi mới có quyết định là miễn bao nhiêu tiền. Sau khi làm xong NOXH, quá trình xét duyệt đối tượng được cũng rất lâu, nên có những khu NOXH dù đã hoàn thiện nhưng phải đến cả năm sau vẫn chưa giao được hết nhà… những sự chậm trễ này dù ở hình thái nào cũng đang liên quan đến thủ tục hành chính.
Do đó, cần rà soát thật kỹ và tạo điều kiện thông thoáng cũng như đẩy nhanh các thủ tục hành chính. Trước mắt phải rà soát để sớm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung vào để khai thác, qua đó sẽ bớt đi nhiều thủ tục hành chính, tránh tình trạng đơn vị này phải hỏi đơn vị kia rồi chờ rà soát rất mất thời gian. Nếu có cơ sở dữ liệu dùng chung và chuẩn hoá được đưa vào sử dụng sẽ không còn tình trạng chậm trễ.
PV: Bà có kỳ vọng vấn đề nhà ở xã hội sẽ được giải quyết sau khi Luật Nhà ở được sửa đổi? Luật Nhà ở còn có nội dung gì cần bàn thảo liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Kiến trúc, thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Trong khi nhu cầu về NOXH đang rất lớn, tiềm năng của nhiều DN rất sẵn sàng đầu tư nhưng cung - cầu vẫn chưa gặp nhau. Việc xét duyệt đúng đối tượng để người có thu nhập thấp có đủ điều kiện để mua NOXH, tránh tình trạng NOXH có nhưng giá còn cao so với thu nhập số đông của người dân khiến việc tiếp cận còn khó khăn.
Ngoài ra, thực tế hiện nay một trong những nguyên nhân khiến giá NOXH còn cao là do chi phí xây dựng cùng các chi phí khác đã đẩy giá thành nhà ở lên cao. Do đó, cần có giải pháp kéo giá NOXH xuống thấp, để phù hợp với túi tiền người dân hơn.
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và phát biểu tại hội trường trong dự án Luật Nhà ở là liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Kiến trúc. Bởi vì hiện nay nhà ở nhỏ đô thị, nhà ở nông thôn hay nhà ở các vùng, miền chưa quy định rõ trong Luật, khiến cho việc phát triển tương đối lộn xộn và chưa có bản sắc riêng. Đặc biệt tại các vùng, miền đang mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng trong nhịp sống hiện đại với sự phát triển nhà ở mới sẽ dần làm mất đi bản sắc.
Cùng với đó, hiện nay giữa nhà ở đô thị và nông thôn hoàn toàn không có ranh giới nên không còn bản sắc. Chẳng hạn tại các vùng quê bây giờ xây nhà không khác nhà thành phố, mặc dù công năng sử dụng có khác nhau và nhu cầu của người dân có khác nhau nhưng vẫn dập khuôn nhà phố. Tại nhiều miền quê hiện nay, người dân vẫn chuộng xây nhà ống, có công trình phụ và nhà vệ sinh khép kín dù quỹ đất vẫn còn. Do đó, trong Luật cần quan tâm hơn đến lĩnh vực này vì liên quan đến cả kiến trúc, quy hoạch nên tạo ranh giới giữa các vùng, miền, thành phố và thôn quê.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
VOV