Nhà ở xã hội: Người thu nhập cao tranh mua, ĐBQH đề xuất chỉ dành cho thuê
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng), nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội.
- 17-06-2023Toàn cảnh dự án nhà ở xã hội đạt kỷ lục 26 lần mở bán vẫn ế
- 16-06-2023Đại gia ngành thép "chơi lớn" rót 6.000 tỷ đồng xây 10 toà Nhà ở xã hội và gần 1.000 biệt thự, liền kề tại Vĩnh Phúc
- 16-06-2023Vì sao tắc gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội?
Nên tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội
Tiếp tục kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho biết, theo báo cáo đánh giá tác động thì chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua là một trong tám nhóm chính sách quan trọng với lần sửa đổi luật lần này.
Qua nghiên cứu, ông Hiển cho rằng, chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn. Đại biểu đã nêu ra hai vấn đề vướng mắc chính.
Thứ nhất, chính sách và dự thảo đang đi theo hướng cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng, sở hữu nhà ở xã hội thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp. Chính sách và điều khoản trong dự thảo Luật Nhà ở dường như đang hướng đến mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế, người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm, có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp cho nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn.
Theo đại biểu, nếu cứ gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả người dân khai man các điều kiện về thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ mua nhà ở xã hội với giá thấp. Trường hợp khác là người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua, dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa.
Vướng mắc thứ hai theo đại biểu Hiển là việc không tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Trong đó, quá chú trọng đến ưu đãi dành cho bên cung - nhà đầu tư hơn là bên cầu - những người có thu nhập thấp.
Đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị, chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đề xuất quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội
Với định hướng đó, đại biểu Hiển cho rằng nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.
Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước khác sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội.
"Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê", đại biểu đoàn Lâm Đồng nói và cho rằng, có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội.
Tránh quan điểm giá rẻ đi cùng với chất lượng kém
Còn đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đề nghị, sửa lại khái niệm nhà ở xã hội là nhà ở dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở theo quy định pháp luật.
Đại biểu cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đã nêu rõ, phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.
Do vậy, dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội.
Đại biểu đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên)
Còn góp ý về nguyên tắc phát triển nhà ở tái định cư, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho biết, điều 51 dự thảo luật có quy định 8 nguyên tắc trong phát triển nhà ở tái định cư. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc là việc bố trí nhà ở tái định cư bên cạnh bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì cần phải bảo đảm các yếu tố văn hóa, truyền thông.
Riêng đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì cần phải bảo đảm các điều kiện phục vụ những phong tục, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đây là quy định cần thiết để khắc phục hạn chế việc hiện nay nhiều dự án nhà ở tái định cư được xây dựng không đáp ứng yêu cầu của người dân.
Điều này dẫn đến người dân không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí tài sản nhà nước hoặc tình trạng đồng bào đến khu nhà ở tái định cư một thời gian lại quay trở về nơi ở cũ, có điều kiện sinh hoạt thấp hơn rất nhiều.
VTV.VN