MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Tách UBCKNN khỏi Bộ Tài chính mà không trao quyền tự chủ sẽ không hiệu quả

Trong phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhiều điểm còn khác nhau trong Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó có vị trí, vai trò của UBCKNN cũng như quy định giá trị vốn hóa tối thiểu của doanh nghiệp đại chúng.

Vị trí của Ủy ban Chứng khoán nhà nước?

Trong phiên thảo luận chiều 13/6, về vị trí, vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cơ quan này vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính thay vì là một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Theo bà Mai, cần việc rà soát các quy định để đảm bảo chính chủ động và thẩm quyền giải quyết cũng như trách nhiệm của UBCKNN thay vì thành lập một cơ quan mới thuộc Chính phủ.

Nêu lý do, nữ đại biểu của Thành phố Hà Nội cho biết việc giữ nguyên như quy định hiện hành để đảm bảo tính tuân thủ nghị quyết của đảng, trong đó hạn chế việc tăng thêm cơ quan, bộ máy, tăng biên chế. Ngoài ra, việc tách UBCKNN khỏi Bộ Tài chính cũng chưa có cơ sở thực tiễn bởi tờ trình chưa chỉ rõ bất cập cũng như cản trở hoạt động của cơ quan này.

"Để nâng cao hiệu quả hoạt động của một bộ máy, không phải cơ quan đó trực thuộc đơn vị nào mà là phải trao cho nó quyền năng gì. Đặt giả thuyết Ủy ban chứng khoán tách khỏi Bộ Tài chính mà không trao cho nó quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, điều đó cũng không đem lại hiệu quả tích cực", bà Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết của An Giang thì cho rằng theo thông lệ quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần hoạt động theo mô hình độc lập thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đã phát triển nhưng chưa thực sự lớn và để tránh xáo trộn, bà Tuyết cho rằng trước mắt UBCK nhà nước nên thuộc Bộ Tài Chính.

"Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền UBCK nhà nước, đảm bảo tính độc lập và quy định rõ tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước ở mức nhất định và các điều khoản cụ thể. Sau khi đảm bảo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể chuyển sang độc lập", bà Tuyết cho hay.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng việc tăng thẩm quyền với Ủy ban Chứng khoán là cần thiết nhưng phải sửa luật và các quy định liên quan để tăng tính độc lập, tăng thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để có thể ngăn chặn những biến động bất thường trên thị trường cũng như xử lý giao dịch phi pháp, làm tăng sự minh bạch cho thị trường.

Nâng mức vốn hóa tối thiểu, 390 công ty đại chúng vốn hóa dưới 30 tỷ sẽ "chết nhưng chưa chôn"?

Góp ý xây dựng dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy của đoàn Bến Tre cho biết dù trong quy định của dự thảo luật chứng khoán sửa đổi có quy định cho phép chuyển tiếp của những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa dưới 30 tỷ đồng nhưng thực chất, họ sẽ lâm vào tình trạng "chết nhưng chưa chôn" vì sẽ không có nhà đầu tư nào tiếp tục rót vốn.

"Với tỷ lệ 18% công ty đại chúng có giá vốn dưới 30 tỷ đồng, sẽ có 390 doanh nghiệp niêm yết lâm vào tình trạng chết nhưng chưa chôn. Dù dự thảo luật có điều khoản chuyển tiếp cho song song tồn tại nhưng thực chất, các công ty này không thể hoạt động được vì nhà đầu tư sẽ không đầu tư tiếp, thậm chí thu hồi tài sản đã đầu tư", bà Thủy đề nghị cần cân nhắc nhằm đảm bảo quyền lợi cho thiểu số công ty đại chúng dưới 30 tỷ cũng như quyền lợi của nhà đầu tư, tránh tình trạng không quản được thì cấm.

Trước đó, đề cập đến hạn chế với doanh nghiệp chứng khoán có giá trị vốn hóa nhỏ theo báo cáo tổng kết thi hành luật, bà Thủy đồng thuận doanh nghiệp niêm yết nhỏ có những khó khăn trong việc thực hiện cơ chế thuế, phí, kiểm toán, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính còn nhiều sai sót, thậm chí là gian lận. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng đây chủ yếu bắt nguồn từ sự chủ quan của con người chứ không liên quan đến nguồn vốn nhỏ hay lớn.

Tuy nhiên, chia sẻ tại hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, đã là công ty đại chúng, doanh nghiệp cần vốn hóa đủ lớn để đảm bảo sự tồn tại.

"Anh huy động vốn của nhiều người mà sự tồn tại luôn bấp bênh là điều hoàn toàn không có lợi. Ngoài ra, phí tổn với một công ty đại chúng rất nhiều mà các doanh nghiệp vốn nhỏ không trang trải được. Ví dụ như báo cáo tài chính phải được kiểm toán. Nếu nhỏ sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu này", ông Ngân cho hay.

Ông Ngân cũng lưu ý không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ nào cũng là công ty đại chúng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…. Nếu là công ty đại chúng thì phải có nhiều người tham gia. Luật các nước quy định tối thiểu 300 cổ đông trong khi luật của Việt Nam mới quy định tối thiểu 100 cổ đông mà thôi. Cần phải nâng lên và điều này đòi hỏi vốn hóa lớn hơn, ông Ngân nói.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên