ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Có những cá nhân tự cho mình cái gọi là "quyền ban phát" khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đầu tư công
Bà Mai cho rằng vốn đầu tư công cần phải được hiểu là tiền thuế cảu nhân dân và không phải sở hữu của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào.
- 27-07-2021Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành chương trình giám sát của Quốc hội
- 27-07-2021Quốc hội thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
- 26-07-2021Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao
- 26-07-2021Ông Phạm Minh Chính đắc cử Thủ tướng, tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội
- 26-07-2021Ông Nguyễn Xuân Phúc đắc cử Chủ tịch nước, tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội
Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đoàn Hà Nội đã chia sẻ những quan điểm rất thẳng thắn về vấn đề phân cấp ngân sách, trong đó có vốn đầu tư công.
"Luật Đầu tư công năm 2019 đã được sửa đổi theo hướng đổi mới, tăng cường phân cấp cho các địa phương và hiện nay thì từ khâu đề xuất dự án đến phân bổ nguồn lực về căn bản giao cho các địa phương. Bên cạnh tất cả những địa phương thực hiện nghiêm túc còn một số những địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên", bà Mai nêu vấn đề.
Bà Mai dẫn báo cáo của Chính phủ có tổng số 3.476 dự án thuộc diện chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí, còn lại hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy đó là dẫn đến lãng phí nguồn lực, dẫn đến kỷ luật tài chính chưa nghiêm và đặc biệt là tạo áp lực ngân sách cho giai đoạn tiếp theo khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.
"Chúng tôi cho rằng, thời gian qua Thủ tướng cũng đã kịp thời chấn chỉnh đối với một số địa phương nhưng cũng cần được hết sức lưu tâm. Có lẽ vốn đầu tư công cần phải được hiểu đó là tiền thuế của nhân dân và kể cả là vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình cái gọi là quyền ban phát và câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc", bà Mai cho biết.
Nêu ra những giải pháp, vị ĐBQH đoàn Hà Nội nhấn mạnh cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, bên cạnh việc động viên những địa phương thực hiện tốt cũng cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.
Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng vấn đề hạn chế của hệ thống pháp luật luôn được nêu ra như là vấn đề đầu tiên trong các báo cáo. Không phủ nhận những vấn đề có thể còn tồn tại của hệ thống pháp luật nhưng bà Mai cho biết hầu hết các báo cáo đều chưa chỉ ra được đó là ở điều khoản nào, nội dung gì.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh khi xem xét chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khoảng một tuần trước, hầu hết những vướng mắc nêu trên đều không được đề xuất phương án đưa vào chương trình xây dựng luật.
Bà Mai đề xuất: "Mong Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế. Trong trường hợp thực sự có những hạn chế thì cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi. Trong trường hợp những hạn chế do tổ chức thực hiện thì cũng cân nhắc để đánh giá, tránh gây ra những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật. Thứ hai, đối với Quốc hội là cơ quan lập pháp cũng kịp thời rà soát, điều chỉnh".