ĐBSCL: Chìm mùa lúa nổi
Năm nay, lũ thượng nguồn đổ về sớm và lên với tốc độ nhanh đã nhấn chìm gần như toàn bộ diện tích lúa mùa nổi vùng ĐBSCL.
- 16-08-2018Trồng lúa sạch lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha
- 11-03-2018Sản xuất rau an toàn cho thu nhập cao gấp 7 lần trồng lúa
- 25-07-2017Đổ xô trồng lúa Nhật: Nhiều rủi ro
Lúa mùa nổi (floating rice) là tên gọi giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo: Lũ lên tới đâu, cây lúa vươn lóng tới đó để đươm bông, kết hạt.
Mới cuối tháng 8, nhưng mực nước trên ruộng đã cao hơn 1,5m khiến cánh đồng lúa mênh mông như biển nước. Ảnh: Lục Tùng
Được người dân vùng ĐBSCL trồng cách đây trên 100 năm theo phương pháp truyền thống, không phân bón, thuốc trừ sâu, gieo sạ vào tháng 5 âm lịch,.. cây lúa tự ngậm sương mà nẩy mầm, rồi lớn...
Khi nước lũ từ sông Mekong đổ về, nước đến đâu, cây lúa vươn lóng đến đó nên được gọi là lúa mùa nổi, tức lúa nổi trong biển nước.
Trong điều kiện nước lên với tốc độ bình thường, cây lúa có thể vươn dài đến 3-5m, thậm chí là 7m để trở thành cây lương thực cung cấp gạo chủ lực cho người dân vùng ĐBSCL. Rồi vì nhiều lý do, như cây lúa dài ngày (khoảng 6 tháng), năng suất thấp (chưa đầy 2 tấn/ha),... lúa mùa nổi nhường bước cho cây lúa cao sản ngắn ngày.
Mấy năm gần đây, nhận ra tầm quan trọng về nguồn gen, môi trường sinh thái và chất lượng gạo có nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe.., Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn (RCRD - ĐH An Giang) đã quyết tâm đầu tư, hồi phục, cây lúa màu nổi dần hồi sinh. Hiện toàn vùng chỉ còn trên dưới 100ha tập trung tại huyện Tri Tôn, Chợ Mới (An Giang ) với khoảng 60-70ha và huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) với khoảng 25 -30 ha, mỗi năm cung cấp trên 100 tấn lúa thương phẩm.
Năm nay, nhiều khả năng sẽ mất trắng. Nguyên nhân do lũ năm 2018 xuất hiện sớm gần tháng, lên nhanh và cao hơn trung bình nhiều năm... Bị trái với quy luật sinh học, phần lớn cây lúa đã không kịp vươn lóng.
Theo nhận định của RCRD, nếu kéo dài trong nhiều ngày không được quang hợp, cây lúa sẽ chết. Trong khi đó, phần diện tích nhỏ những cây không bị chìm bởi nước lũ thì đối mặt với nạn rác....
Theo khảo sát mới đây của RCRD tại huyện Tri Tôn, nhiều nơi xác thân cây mì (sắn) bị người dân vứt bừa bãi sau khi thu hoạch trên đồng đã theo nước lũ trôi tấp vào ruộng lúa mùa nổi rồi dìm thân lúa xuống mặt nước.
Hiện nhiều đám lúa đã có dấu hiệu chết lá và khả năng sẽ tiếp tục chết...
“Nếu còn số lượng nhỏ quá, đến khi trổ bông sẽ bị chim và chuột cắn phá hết”- ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc RCRD, nhận xét.
Điều này sẽ không chỉ làm ảnh hưởng đến sản lượng lúa an toàn cho xã hội mà còn làm mất đi lượng rơm để người trồng lúa làm nền cho vụ trồng cây màu sau đó.
Lao động