Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Cuộc chơi lớn và nguyên tắc 10 chữ
Sáng 5/1, tại tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
- 05-02-2024Hải Dương thông xe nút giao 392 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
- 05-02-2024Thị xã thuộc tỉnh đông dân nhất ĐBSCL, có cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ lên thành phố
- 05-02-2024Thủ tướng: 19 tập đoàn Nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn thì phải làm ăn có lãi
Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và 12 địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học, đại diện một số tổ chức quốc tế.
ĐBSCL với diện tích tự nhiên 4.092.000 ha, trong đó 2.575.000 ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ĐBSCL vẫn còn những hạn chế như chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…
Với sản lượng lúa gạo lớn, ĐBSCL tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom sử dụng cho trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, là thức ăn gia súc. Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí methane (CH4) và khí nhà kính khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng tối đa dinh dưỡng chứa trong rơm, giảm thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa và các dịch vụ sản xuất thương mại liên quan.
Mặt khác trong thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Bên cạnh đó, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Từ thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Bộ NN&PTNT ước tính tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: Ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hoá; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác, trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho biết Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí chọn Đề án là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu USD.
Thứ trưởng Trần Thành Nam cho hay Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng ban, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, đại diện WB, đại diện lãnh đạo 12 địa phương vùng ĐBSCL.
Bộ cũng làm việc với WB xây dựng và huy động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và chuẩn bị dự án vốn vay; đang phối hợp với các chuyên gia của Quỹ chuyển đổi tài sản carbon xây dựng hệ thống MRV cho Đề án để làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo và trao đổi trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất lúa gạo đồng thời giảm phát thải.
Bộ cũng làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng NN&PTNT xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đề án.
Bộ sẽ thành lập Văn phòng điều phối thực hiện Đề án đặt tại Trụ sở Bộ và TP. Cần Thơ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh ĐBSCL căn cứ tiêu chí vùng chuyên canh tiến hành xác định các vùng đạt tiêu chí, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cho năm 2024 và cho từng giai đoạn; củng cố kiện toàn tổ chức bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai Đề án trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Các địa phương củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng lúa tham gia Đề án, nhất là hạ tầng về thuỷ lợi; ban hành cơ chế, chính sách của địa phương để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp; hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.
Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án, báo cáo Bộ NN&PTNT; tổ chức sơ kết thực hiện Đề án vào năm 2025.
Tạo dựng hệ sinh thái cộng sinh để thực hiện Đề án
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội, các viện nghiên cứu và các địa phương đều đánh giá Đề án là "luồng gió mới", thể hiện quyết tâm mới của Chính phủ trong việc từng bước hiện đại hoá ngành sản xuất lúa gạo của cả nước.
Đề án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu người nông dân, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính.
Gợi mở nhiều định hướng, giải pháp để triển khai Đề án mang lại hiệu quả thực chất, các đại biểu nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo để người nông dân nắm vững, thuần thục những gói hỗ trợ kỹ thuật; sớm đưa vào chương trình càng nhanh, càng tốt những tiến bộ khoa học công nghệ, giống lúa có đặc điểm nổi trội về dinh dưỡng; có hệ thống giám sát, báo cáo được quốc tế công nhận để sản phẩm của Đề án thực sự là "gạo chất lượng cao, carbon thấp".
Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế quy định rõ lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia triển khai Đề án; đầu tư mạnh mẽ cho cơ giới hoá và hệ thống hạ tầng thuỷ lợi để giữ nước ngọt phục vụ sản suất lúa gạo; có cơ chế điều phối hoạt động xuất khẩu gạo để bảo đảm tối đa quyền lợi của người nông dân và ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam; tăng cường công tác thông tin, truyên truyền nâng cao nhận thức về Đề án.
Các tham luận nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ về lúa gạo cấp quốc gia để chuẩn bị tâm thế cho 5-10 năm tới; thí điểm chương trình tín chỉ carbon trong bối cảnh các tổ chức quốc tế cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính và tiếp cận thị trường.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép Đề án với các chương trình khác; tăng cường huy động nguồn lực cho Đề án thông qua hình thức đối tác công-tư; tăng cường hợp tác quốc tế.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trong thời gian qua, trong đó có đóng góp của ngành lúa gạo trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong khi một số quốc gia ngưng xuất khẩu gạo.
Trong các cuộc giao thiệp ngoại giao, các nước, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiều quốc gia phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Đề án là cuộc chơi lớn, vì thế có 4 cái khó: Khó vì lần đầu tiên đặt ra mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; khó vì thay đổi thói quen trong ứng xử với nó; khó vì luôn bị tác động ngay lập tức từ sự thay đổi thất thường của giá gạo trên thị trường; khó thống nhất ở một số việc liên quan đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, điển hình như việc thống nhất giá gạo xuất khẩu.
Để cuộc chơi lớn đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự chung tay của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp để từng bước thúc đẩy từng người nông dân có thái độ "hết lòng" với Đề án này. Kinh nghiệm cho thấy việc gì khó, nếu có cách tiếp cận đúng, phương pháp đúng và quyết tâm là làm được, điển hình như trong chống dịch COVID-19 Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về kết quả phòng chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, nếu không "tuân thủ" kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn là chúng ta thất bại, nhưng đồng thời cũng phải "linh hoạt", sáng tạo trong cách ứng xử, phù hợp với từng vùng, từng địa phương và đặc biệt phải thích ứng với tác động ngày một nghiêm trọng, khó đoán định của biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng cho rằng phải "hợp tác" tốt, trước hết là trong đàm phán các khoản vay, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với nhau, giữa Trung ương với địa phương, giữa doanh nghiệp với nhau; nhấn mạnh "chúng ta sẽ thất bại nếu các doanh nghiệp tham gia Đề án này bằng cách riêng, không giống ai của mình, không có sự tuân thủ và phối hợp". Bên cạnh đó, phải lồng ghép tốt các chương trình để tạo sức mạnh tổng hợp mới có thể cùng thắng.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có sự "kiểm soát" tốt để không lệch chuẩn, không lệch hướng và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở thường xuyên sơ kết, tổng kết, đặt biệt là những mô hình, cách làm hay.
Khẳng định Chính phủ sẽ cam kết, đồng hành trong quá trình triển khai Đề án, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Dự án vay vốn của WB để triển khai Đề án; Chính sách thí điểm, cơ chế trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp; và đề xuất bổ sung vốn đầu tư công cho Bộ để hỗ trợ các hạng mục đầu tư trong Đề án.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tính toán phương án huy động nguồn vốn thực hiện cho Đề án; đề xuất cơ chế lồng ghép Đề án với các chương trình khác, có thể tương tự như cơ chế thí điểm mỗi địa phương có 2 huyện được phép trộn vốn của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với vốn ODA, Phó Thủ tướng lưu ý phải hết sức chú trọng đến khâu đàm phán để hài hoà hoá thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, tạo thuận lợi cho việc giải ngân sau khi tiếp nhận các khoản vay./.
Báo Chính phủ