Đề án cá nóc: Đã thất bại, vẫn làm tiếp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn gỡ lệnh cấm toàn diện đối với cá nóc, tiến tới cho phép tiêu thụ như Hàn Quốc, Nhật Bản
- 25-03-2016“Vỡ mộng” xuất khẩu cá nóc
- 03-07-2015Tạm ngưng thu mua, xuất khẩu cá nóc
- 02-11-2012Phát hiện vụ chế biến 1 tấn cá nóc độc làm thực phẩm
- 28-08-2012“Bơi” trong nợ cùng cá nóc
- 21-01-2011Xuất khẩu cá nóc trước nguy cơ "đứt gánh giữa đường"
Hội nghị đánh giá kết quả triển khai đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2013-2015 (gọi tắt là đề án) được tổ chức ngày 14-4 tại TP HCM.
Đa số muốn dừng
Dù lệnh cấm khai thác, thu mua, tiêu thụ cá nóc đã được ban hành từ năm 2003 nhưng loại cá này vẫn mắc lưới và người dân vẫn mua bán một cách lén lút, tiềm ẩn nhiều rủi ro ngộ độc chết người. Do vậy, cần tháo gỡ để những doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu cá nóc và tập huấn, hướng dẫn ngư dân, cán bộ quản lý nhận biết cá nóc độc, không độc và kỹ thuật chế biến nhằm bảo đảm ATTP. Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám tại hội nghị.
Có 5 địa phương tham gia thí điểm đề án gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Hải Phòng. Tuy nhiên, tại hội nghị, chỉ tỉnh Khánh Hòa muốn tiếp tục đề án, còn lại đều muốn dừng do hiệu quả kinh tế không có.
Ông Nguyễn Quốc Bảo Anh - Giám đốc DN tư nhân Phước Thọ (Khánh Hòa), đơn vị theo đuổi việc xuất khẩu cá nóc từ đầu - cho biết trước năm 2010, xuất khẩu mặt hàng này gặp khó do nhà nước chỉ định một công ty của Hàn Quốc được phép nhập khẩu nên bị ép giá. Đến khi có thêm DN Hàn Quốc được phép nhập thì DN trong nước lại hạ giá để cạnh tranh nhau. “Năm 2013, DN chúng tôi xuất 42 tấn cá nóc nhưng đến năm 2014 chỉ còn 9,6 tấn. Tôi đang bán hơn 1,5 USD/kg thì có DN ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang chào giá 1,2-1,3 USD/kg, tương đương 26.000 đồng/kg, nên không có lãi. Sang Hàn Quốc, tôi thấy họ bán rất đắt, một tô bún 8 USD chỉ có vài miếng cá nóc. Hiện đối tác Hàn Quốc vẫn đặt hàng nên tôi muốn được tiếp tục xuất khẩu và tìm cách đưa giá trị cá nóc tăng lên để có lợi cho cả ngư dân và DN” - ông Anh đề nghị.
Theo ông Đặng Văn Lương, Phó trưởng Phòng Quản lý thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), giá thu mua nguyên liệu của ngư dân quá thấp, từ 22.000-25.000 đồng/kg, trong khi đối tác yêu cầu cao về độ tươi và kích cỡ nên ngư dân thích bán lẫn cá nóc làm phân bón với giá 8.000-9.000 đồng/kg hơn. Từ đó, gây khó cho DN thu mua.
Ông Lưu Quan Điểm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy Kiên Giang, cho rằng dù lượng cá nóc khai thác lớn nhưng có đến hơn 95% là không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên đề án thất bại.
Thua về kinh tế, thắng về xã hội (?!)
Theo báo cáo tổng kết đề án, sản lượng cá nóc xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ đạt 1,7% so với mục tiêu ban đầu và bị đánh giá là không có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, dù thất bại về kinh tế nhưng đề án mang lại hiệu quả xã hội, nâng cao nhận thức của ngư dân và cán bộ quản lý về cách nhận diện, phân loại, bảo quản và chế biến cá nóc bảo đảm ATTP. Trong thời gian triển khai đề án, các địa phương tham gia không xảy ra ngộ độc cá nóc như trước. “Thực tế, cá nóc vẫn là một nguồn lợi thủy sản. Với sản lượng đánh bắt khoảng 100 tấn/tháng như hiện nay, nếu cấm thì lượng cá này đưa đi đâu và quản lý như thế nào?” - ông Tám đặt vấn đề.
Theo ông Điểm, khi không được kinh doanh hợp pháp, ngư dân vẫn sơ chế, chế biến cá nóc trên biển để né cơ quan chức năng và hiện phần lớn được thu gom bán sang Trung Quốc. Đại diện Trung tâm Chất lượng nông lâm và thủy sản vùng III nhìn nhận trước nay, người dân vẫn ăn cá nóc, vấn đề là làm sao để không gây độc.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho hay từ khi có DN xuất khẩu bảo đảm ATTP, cá nóc trở thành đặc sản của địa phương. Nhiều người tính đến chuyện mở nhà hàng chuyên bán cá nóc nếu không có lệnh cấm.
Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết sẽ tạo điều kiện cho DN có khả năng tiếp tục xuất khẩu cá nóc. Ở thị trường nội địa, sẽ tìm cách quản lý ATTP, không để người dân bị ngộ độc do ăn cá nóc thay vì cấm như hiện nay. “Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Y tế, đưa ra mức giới hạn đối với độc tố cá nóc trong thực phẩm, tiến tới cho phép tiêu thụ cá nóc như Hàn Quốc, Nhật Bản” - ông Tám kết luận.
Độc tố tetrodotoxin
Theo Cục ATTP, độc tố có trong cá nóc là tetrodotoxin; tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7). Trong thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt. Với người, ăn chỉ 10 g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim… với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Do vậy, Cục ATTP khuyến cáo người dân không ăn cá nóc dưới mọi hình thức.
Người Lao Động