MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề án ngoại ngữ gần 9.400 tỷ sau 8 năm, Bộ trưởng GD-ĐT nói: “Mục tiêu không khả thi!”

Trước câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) về kết quả của đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 có đạt mục tiêu hay không, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời: “Tôi trả lời luôn là không!”.

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi liên quan đến mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2008 – 2020.

Theo đó, mục tiêu của đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam".

Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu, sau 8 năm thực hiện, nhiều mục tiêu đã chưa đạt được. Do đó, đại biểu Ánh đặt ra câu hỏi với 4 năm còn lại, liệu có thực hiện được không.

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhanh chóng trả lời: “Tôi trả lời luôn là không!” với một số lý do.

Thứ nhất, theo ông, dạy và học ngoại ngữ là vấn đề rất lớn, có tính chất lâu dài. “Đây là nhiệm vụ không chỉ trước đây, bây giờ mà còn tiếp tục, liên quan rất nhiều đến các nhóm đối tượng khác nhau”, ông nói.

Thứ hai, Bộ trưởng cho rằng để thực hiện được thành thạo như những kỹ năng mà Đề án mong muốn cần có nhiều thời gian và chi phí kèm theo là rất lớn, mặc dù Bộ đã cố gắng đưa ra một lộ trình quyết tâm cao để thực hiện.

“Trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề về thời gian, kinh phí chuẩn bị, nhưng với trách nhiệm của Bộ GD – ĐT, trách nhiệm của Bộ trưởng, chúng tôi nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội.

Do đó, Bộ trưởng đúc rút khi xây dựng các đề án, không chỉ riêng đề án 2020 mà các đề án khác cũng phải hết sức thiết thực, khả thi bám sát vào việc thực hiện mục tiêu.

“Với quan điểm như vậy, chúng tôi đã cho rà soát, điều chỉnh cách tiếp cận, sau đó đến mục tiêu. Về cách tiếp cận của Đề án ngoại ngữ, không phải đề án này chịu trách nhiệm đào tạo các vấn đề về ngoại ngữ cho tất cả các nhóm. Nếu đặt vấn đề như vậy thì không khả thi.”, Bộ trưởng nói.

Cụ thể, theo ý kiến Bộ trưởng, đề án này chỉ có tính định hướng, dẫn dắt như việc chương trình nội dung phải được thống nhất, trong đó có tính đến yếu tố hội nhập quốc tế để tránh tình trạng biên soạn theo năng lực của các thầy các cô.

Tiếp đó là việc tập trung vào đội ngũ giáo viên. Bởi theo ông, thực tế cho thấy khâu chuẩn bị về giáo viên chưa thực sự được kỹ dẫn đến quá trình thực hiện gặp khó khăn.

Mặt khác, Bộ trưởng cũng cho rằng cần rút kinh nghiệm về phương thức để tổ chức giảng dạy sao cho nhiều người được hưởng, ai cũng có thể tham gia học ngoại ngữ. Bộ trưởng cũng cho rằng cần xã hội hoá giáo dục để tạo động lực, chứ không trông chờ vào đề án.

Mặt khác, Bộ trưởng cũng cho rằng nếu nhìn nhận lại, đề án cũng đạt được một số mục tiêu về chuyên môn. Đặc biệt, thông qua quá trình thực hiện, Bộ đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên