Để cảm xúc chi phối, chủ quan, xao nhãng công việc: Những sai lầm nhỏ khi mới đi làm có thể hủy hoại cả tương lai của bạn
Những sai lầm tưởng như nhỏ nhặt mà nhiều người mới đi làm mắc phải có thể sẽ là trở ngại lớn đối với sự nghiệp của họ trong tương lai nếu không được khắc phục tích cực.
- 04-09-2018Chàng trai 29 tuổi lương tháng trăm triệu, thăng chức giám đốc trẻ nhất tại Alibaba chia sẻ 8 kinh nghiệm trưởng thành
- 04-09-2018Gửi những người trẻ khát khao khởi nghiệp: Muốn thành công, bạn phải thuộc nằm lòng những lầm tưởng cơ bản khiến một start-up thất bại
Tác giả bài viết - Chelsea Greenwood là một biên tập viên của Business Insider. Sau nhiều năm đi làm, cô đã rút ra được những bài học sâu sắc về cách ứng xử nơi làm việc mà bất kỳ ai cũng nên biết rõ:
Ngay từ khi học kì cuối cùng tại đại học bắt đầu, tôi đã thực sự rất nôn nóng muốn thoát ra khỏi trường học. Bốn năm đèn sách cùng những buổi tiệc tùng náo nhiệt khiến tôi cảm thấy sẵn sàng hơn bao giờ hết để bắt đầu sự nghiệp của mình.
May mắn thay, trước cuộc khủng hoảng kinh tế, tôi đã tích lũy được vốn kinh nghiệm tương đối từ khi còn là sinh viên đi thực tập. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp năm 2005, tôi được nhận vào vị trí trợ lí biên tập tại một tạp chí.
Từ một sinh viên mới tốt nghiệp đến một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó yêu cầu khá nhiều thời gian. Sự thực là, tôi cũng đã mắc kha khá lỗi tương tự như vậy trong 5 năm đầu tiên đi làm.
Đó là những sai lầm không lớn, nhưng nó sẽ góp phần định hình cách làm việc và những cơ hội trong công việc của bạn. Một khi để những sai lầm đó trở thành thói quen, chúng sẽ là một trở ngại lớn đối với chính sự nghiệp tương lai của bạn
Dưới đây là những sai lầm trong 5 năm đầu đi làm mà tôi chắc chắn bản thân sẽ không bao giờ mắc phải nữa:
Không kiềm chế cảm xúc
Chưa đầy một năm từ khi bắt đầu làm việc chính thức, một người thân của tôi qua đời. Thương xót, đau buồn, tôi không ngần ngại giấu những cảm xúc đó trên gương mặt của mình. Vào một ngày nọ, sếp cho gọi tôi và nói rằng thái độ của tôi làm mọi người thấy tôi khó gần.
Tôi học được rằng, dù cho có trải qua biến cố khó khăn gì, bạn cũng nên cố cười lên và làm việc. Bạn cũng có thể chữa trị tâm lí nếu cần, và nếu bạn thấy ổn, hãy thành thật với sếp về những gì bạn đang trải qua.
Học cách bỏ qua những thù ghét cá nhân
Trong các cuộc tranh luận với đồng nghiệp, bất kể khi nào tôi thấy không được tôn trọng hay phải chấp nhận rằng tôi đã sai, tôi sẽ để bụng những cảm xúc tiêu cực đó. Điều đó tích lũy lên từng ngày và khiến tôi trở nên cáu bẳn và gắt gỏng vô cớ.
Giờ đây, khi đã học cách tha thứ, tôi cảm thấy thanh thản hơn rất nhiều. Rõ ràng là, buông bỏ, cho qua những điều nhỏ nhặt sẽ giúp cuộc sống của bạn nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.
Xao nhãng công việc
Tôi vào làm vào mùa hè, khi rất nhiều đồng nghiệp đang nghỉ mát. Vì chưa làm đủ thời gian để đi nghỉ, tôi bị kẹt lại trong núi công việc của mình.
Vì thế, một ngày, tôi nhận ra mọi người xin về sớm vì một lí do nào đó và quyết định về sớm một chút. Tôi tự nhủ: “Có hại gì đâu chứ?” Khi sếp tôi biết được chuyện này, bà tỏ ra không hài lòng và tôi biết là bà đúng.
Bạn nên học cách tuân thủ nội quy nơi làm việc dù đôi khi bạn chẳng thích nó chút nào. Tốt hơn, trong những năm đầu đi làm, hãy cố gắng gấp bội!
Xem xét những lời phê bình một cách chủ quan
Tiếp nhận những lời phê bình là một cách để nâng cao năng lực bản thân. Bạn cần học hỏi để “mặt dày” trong công việc của mình. Ban đầu, khi tổng biên tập gạt bỏ những ý tưởng của tôi hay thay đổi nội dung của những bài viết tôi rất tâm huyết, một cảm giác tồi tệ xâm chiếm tôi. Tôi cho rằng, bản thân không có năng lực trong công việc và ngày càng chán nản.
Dần dần, tôi nhận ra những lời phê bình đó là lời hướng dẫn giúp tôi trở nên thuần thục hơn trong công việc. Chỉ khi chấp nhận những lời phê bình và thẳng thắn tìm cách thay đổi, bạn mới có thể tiến bộ.
Công tư không phân minh
Tại nơi làm việc, bạn phải phân biệt rõ ranh giới giữa đồng nghiệp và bạn bè. Tôi gặp rất nhiều bạn bè tốt trong thời gian làm việc. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ bạn bè thân thiết với đồng nghiệp của bạn đột nhiên rạn nứt, căng thẳng khi làm việc là không tránh khỏi. Vì vậy, tôi học cách thân thiện với đồng nghiệp nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định và vạch rõ ranh giới rõ ràng khi làm việc và mối quan hệ cá nhân.
Uống quá nhiều trong tiệc công ty
Vẫn trong tâm thế của một sinh viên khi tham gia buổi tiệc công ty đầu tiên, tôi đã hơi quá chén khi thấy mọi người uống nhiều hơn bình thường một chút. May thay không có chuyện gì quá nghiêm trọng xảy ra ngoài việc tôi bị triệu tập vì chuyện quá chén đó.
Từ đó, tôi học cách kiềm chế, cư xử có trách nhiệm trong những bữa tiệc công ty hay ở bất kỳ nơi nào khác.
Cởi mở quá với người khác
Tiết lộ quá nhiều chuyện cá nhân có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Khi tôi cảm thấy thoải mái với đồng nghiệp, tôi dễ dàng chia sẻ với họ mọi thứ về đời sống cá nhân của mình. Tuy nhiên, thông tin bạn để lộ có thể được đồng nghiệp dùng để chống lại bạn. Có lẽ, bạn cho rằng tình huống đó sẽ chỉ xảy ra trên phim, tuy nhiên, dù sao bạn cũng nên học cách tiết chế bản thân.
Trang phục đi làm chỉ là áo sơ mi cùng quần âu
Nhiều người bó hẹp trang phục đi làm của mình trong những chiếc áo sơ mi, quần âu cứng nhắc. Đừng tự khiến bản thân bị gò bó như vậy.
Nếu công ty không có quy định cụ thể về trang phục đi làm, bạn có thể lựa chọn nhiều loại trang phục vừa lịch sự vừa cá tính như áo dáng dài hay những chiếc váy nhẹ nhàng, lịch sự kèm những phụ kiện thời trang phù hợp. Trang phục đẹp cũng góp phần giúp bạn tự tin hơn trong công việc và gặt hái được những thành quả không ngờ.
Trì hoãn mọi thứ
Từng là một người thích trì hoãn thời còn học đại học, tôi đã sai khi nghĩ mình vẫn có thể làm vậy khi đi làm. Điều này nhiều lần đẩy tôi vào trạng thái lo lắng trầm trọng khi tôi sắp lỡ deadline được giao. Trong suốt những năm đầu đi làm đó, tôi học được rằng, khi nhận việc, hãy bắt tay thực hiện ngay sớm nhất có thể, sự trì hoãn chỉ khiến mức độ khó và phức tạp của nhiệm vụ tăng lên mà thôi.
Xem nhẹ công việc
Trong thời gian mới đi làm, nhiều người thường có tâm lý "đứng núi này trông núi nọ" và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi nóng lòng muốn tìm kiếm cơ hội để chuyển đến một công ty lớn hơn, tốt hơn – theo tôi nghĩ.
Tôi từng chuyển sang một tập đoàn lớn và làm việc ở đó không tuyệt như tôi tưởng. Tôi nhớ sự gần gũi của đồng nghiệp ở công ty cũ, nhớ cách tôi có thể kiểm soát mọi công việc với sự thành thục và tự tin.
Rút cuộc thì tôi đã hiểu được, dù ở bất cứ nơi nào, thái độ làm việc mới là điều quan trọng nhất. Đừng đổ lỗi cho môi trường làm việc hay đồng nghiệp. Hãy đặt toàn bộ tâm trí của bạn, toàn tâm toàn ý cho công việc, mọi thứ sẽ suôn sẻ theo một cách bạn không ngờ.
Business Insider