Để đưa công trình Vành đai 4 về đích đúng hẹn
Người dân đang trông đợi hoàn thành một "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhưng công trình lớn và những khó khăn không nhỏ đang đặt ra cũng đang được cả hệ thống chính trị tiếp tục tháo gỡ để Vành đai 4 về đích đúng hẹn.
- 17-02-2024Trang Nikkei Asia: Việt Nam thu hút công ty nước ngoài về sản xuất chip
- 16-02-2024Lĩnh vực trọng điểm được đầu tư 422.000 tỷ đồng, tạo không gian phát triển mới cho nhiều địa phương
- 16-02-2024Phát triển kinh tế carbon thấp: Điều kiện 'cần' để hướng đến kinh tế tuần hoàn
Dự án với diện tích thu hồi lớn tới gần 1.400 ha ở 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Phải di dời tới hơn 16.400 ngôi mộ, di dời gần 1000 hộ dân, xây dựng hàng chục khu tái định cư... Không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu khi người dân diện di dời phải đối mặt với nỗi lo về nơi an cư lạc nghiệp, kế sinh nhai và những yếu tố tâm linh khác. Nhưng với sự tiếp cận kịp thời của cả hệ thống chính trị, phổ biến để người dân thấy cái được nhiều hơn cái mất, thấy mục đích, ý nghĩa to lớn của đường vành đai 4 với cuộc sống của mỗi gia đình, với tương lai con em họ và với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhờ vậy đường vành đai 4 đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân sẵn sàng bàn giao đất đai, nhà cửa, di dời mộ phần để triển khai dự án. Công trình quốc gia trở thành niềm mong mỏi của mỗi gia đình ở cả 3 tỉnh thành trong vùng dự án:
“- Tôi cũng như mọi người dân trong xã rất phấn khởi, đây là một dự án lớn của thành phố, nhưng cũng rất trọng đại của quốc gia, là một con đường rất giá trị. Thì tất cả những địa phương nào có đất thuộc đường vành đai 4 đi qua đều được hưởng lợi trước để phát triển kinh tế.
- Mình phải vui mừng chứ, vui mừng vì đất nước mình phát triển chứ. Bây giờ mà tôi về quê là gần hơn được nửa đường.
- Nhà nước mở con đường đi qua địa bàn này, dân rất ủng hộ và nhiệt tình, từ cán bộ cho đến nhân dân.
- Đường vành đai 4 là đường huyết mạch giao thông của quốc gia, rất quan trọng cho cả đất nước chứ không vì một địa phương nào. Bà con chúng tôi 100% ủng hộ quyết tâm và sẵn sàng về việc di chuyển.”
Sự đồng thuận của nhân dân khiến một dự án với khối lượng công việc rất lớn nhưng lại đạt được kỷ lục về tiến độ giải phóng mặt bằng - công việc vốn phức tạp và dây dưa nhất. Với việc bàn giao trên 80% diện tích mặt bằng sạch vào giữa năm 2023, và những cơ chế đặc thù về vốn, nguồn vật liệu được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, dự án lớn đã được khởi công, triển khai trên toàn tuyến, đạt kỷ lục về thời gian chuẩn bị, chỉ sau hơn 10 tháng khởi động. Song song với thi công, công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được triển khai, đến nay, Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã phê duyệt phương án và thu hồi được 1.312,05 ha, đạt 94,36%; di chuyển 14.930 ngôi mộ, đạt gần 91%. Trong đó Hà Nội thu hồi trên 97% diện tích và đã xây dựng 13 khu tái định cư, với tổng diện tích trên 32 ha.
Theo ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, kết quả này là một kỷ lục: “Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, một dự án lớn nhất của thành phố từ lịch sử đến nay mà phải xin cả đến Quốc hội, trong vòng có đúng mười mấy tháng khởi công được. Khi cả hệ thống chính trị đồng lòng, cùng chịu trách nhiệm, sở ngành cũng rất nhanh, dưới quận, huyện triển khai rất quyết liệt, từ lãnh đạo thành phố, từ người cao nhất cho đến xuống dưới cơ sở, từ đến xã, phường đến thôn. Tiến độ đặt ra cho tất cả thứ đều đang rất là thuận lợi. Cũng là con đường này khi mà nó ra sớm 1 năm, 2 năm nó là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội rất là ghê gớm.”
Với quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ, năm 2024 này, 3 tỉnh thành phố tập trung hoàn thành các khu tái định cư cho người dân; di chuyển các hạng mục kỹ thuật ngầm, nổi gồm hệ thống điện, hệ thống thông tin, cấp nước... Đặc biệt là phải giải phóng mặt bằng 78,44 ha còn lại. Mặc dù diện tích này chỉ chiếm hơn 5% tổng diện tích dự án, nhưng với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, nên phần diện tích nhỏ này lại là phần việc rất khó. Đây cũng chính là vướng mắc cản trở tiến độ thi công. Ông Nguyễn Hữu Thống, Giám đốc Ban điều hành dự án đường vành đai 4, công ty cổ phần Lizen chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề liên quan đến vấn đề mặt bằng, nhất là các khu tái định cư và hạ tầng kỹ thuật liên quan đến đường điện 200 và 500 ki-lô-vôn. Đến thời điểm hiện tại, nhà thầu hiện tại đang phải thi công xen kẹt, chưa được liên tục, lí do là chưa thể giải phóng được những vị trí đấy. Thời gian tới các cơ quan chức năng cũng như sở, ban ngành hỗ trợ nhà thầu trong công tác di dời, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai thi công một cách tốt nhất.”
Trong số hơn 78 ha chưa thể giải phòng, Hà Nội còn 22,2 ha, Hưng Yên 34,6 ha, Bắc Ninh 21,62 ha. Hưng Yên là tỉnh còn diện tích đất chưa thu hồi lớn nhất, hiện công tác xây dựng khu tái định cư, mở rộng nghĩa trang để giải phóng mặt bằng diện tích đất thổ cư, đất nghĩa trang, việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, di chuyển doanh nghiệp tại tỉnh chưa đạt yêu cầu và có nguy cơ không đảm bảo tiến độ. Đây là diện tích khó di dời, như đất có nguồn gốc giao không đúng thẩm quyền, không có giấy tờ, chưa bố trí diện tích đất thu hồi và chưa có chủ trương kinh phí để di chuyển doanh nghiệp... Nổi lên trong đó là 13 doanh nghiệp của tỉnh sẽ bị thu hồi một phần hoặc toàn bộ diện tích với tổng cộng hơn 9ha, điều khó khăn là quy định hiện hành không có cơ chế tái định cư cho doanh nghiệp. Trong diện phải di dời ông Dương Văn Hòa, Phó giám đốc Công ty Cổ phần An sinh, Văn Lâm, Hưng Yên đề nghị: “Công ty rất ủng hộ đường lối, chính sách của nhà nước, tuy nhiên công ty cũng có đề nghị với nhà nước là làm thế nào để công ty chúng tôi đảm bảo được việc di dời nhà máy.”
Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên Nguyễn Quốc Hiệu cho biết: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi trong giai đoạn này một là tuyên truyền, hai là tập trung vào việc di chuyển mộ, đang gấp rút xây dựng các bể mộ. Thứ 3 là xác định nguồn gốc sử dụng đất, đối với những trường hợp bán trái thẩm quyền để đề xuất hướng một là xử lý vấn đề hai là đề xuất làm sao đạt tỷ lệ tốt nhất.”
Bàn giao 100% mặt bằng sạch vào cuối quý 1 năm nay là việc phải làm và là quyết tâm của cả 3 địa phương. Với những vướng mắc về chính sách đang đặt ra đã được ban chỉ đạo dự án đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phương án tháo gỡ. Tuy nhiên việc giải phóng mặt bằng, theo Bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn quan trọng vẫn là công tác dân vận: “Tất cả các dự án liên quan đến tư vấn, các gói thầu liên quan đến tư vấn, rồi bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Với một công trình có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và mang lại lợi ích lớn cho phát triển của cả 3 địa phương như thế này thì cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và quyết tâm rồi vận động có phương pháp chắc rằng người dân sẽ có đồng thuận cao.”
Khởi công và thi công dự án thời gian qua mới là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn nhiều, đặc biệt là việc tái định cư của người dân và các giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ, để vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình nhưng không được xảy ra sai phạm, thất thoát. Với yêu cầu này, Hà Nội đã có sáng kiến huy động sự vào cuộc của tổ giám sát cộng đồng là những người dân - đối tượng thụ hưởng dự án để giám sát tiến độ và chất lượng công trình. Đặc biệt lưu ý tới tiến độ, chất lượng và việc bảo toàn nguồn lực trong triển khai công trình đường Vành đai 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Phần giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều so với tổng số chúng ta đã làm nhưng thường những cái còn lại ít nhưng khó, nên phải quyết tâm hơn. Thi công với khối lượng lớn trong khoảng thời gian không dài, chúng ta phải vượt nắng thắng mưa, thực hiện 3 ca 4 kíp, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ, tinh thần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, phải trọng tâm trọng điểm làm việc nào dứt việc đấy. Tăng cường giám sát kiểm tra, tăng cường chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình tổ chức thi công. Đặc biệt là quan tâm tới đời sống vật chất tinh thần của người dân đã nhường các chỗ ở, nơi canh tác của mình cho dự án được thực hiện.”
Song song với việc Chính phủ, Quốc hội cho phép những cơ chế đặc biệt để triển khai xây dựng đường vành đai 4, tháng 6-2023 Quốc hội đưa dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Việc sớm tiến hành giám sát ngay từ giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ góp phần hạn chế xảy ra sai sót, vi phạm, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia trong xây dựng công trình cũng như đảm bảo tiến độ, để năm 2026 cơ bản hoàn thành, năm 2027 đưa đường vành đai 4 vào khai thác nhằm xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đáp ứng mong đợi của nhân dân.
vov.vn