Để không còn những 'tuyến đường đắt nhất hành tinh'
Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để hóa giải những tuyến đường mệnh danh “đắt nhất hành tinh”.
Làm đường “quên” xây tuyến phố
Hà Nội đang có những tuyến đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” khi triển khai dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng; chi phí đầu tư mỗi mét đường lên tới hơn 3,4 tỷ đồng; Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (hơn 1,1 tỷ đồng/m); tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (1,4 tỷ/m); tuyến đường Nguyễn Văn Huyên...
Gọi tên là những tuyến đường “đắt nhất hành tinh” vì theo tính toán mỗi con đường có mức đầu tư 1.000 tỷ đồng thì tiền chi cho giải phóng mặt bằng (GPMB) đã lên tới 800 tỷ đồng, tương đương với 80% tổng chi phí. Đáng nói, mỗi con đường làm xong, giá đất hai bên đường tăng chóng mặt thì Nhà nước không được lợi, mà người dân có nhà ra mặt tiền một đêm “ngủ dậy” bỗng trở thành tỷ phú.
Để giải quyết tình trạng này từ năm 1999, Hà Nội từng có đề xuất mở đường thu hồi thêm 2 bên đường để đấu giá trên tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
Sở TN&MT Hà Nội đang xây dựng đề cương kế hoạch phục vụ việc lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ, báo cáo thành phố trong thời gian tới.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, thời điểm đó phương án về việc mở thêm đường 2 bên đã được cân nhắc tuy nhiên không khả thi do không đạt được sự đồng thuận của người dân.
Cần sớm có giải pháp
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng (Tổng GĐ enCity), một trong những lý do của chi phí mở đường rất lớn là do năng lực thực hiện quy hoạch kém. Các con đường thường được quy hoạch từ rất lâu rồi mới được tiến hành thu hồi đất đai và triển khai xây dựng dẫn tới việc mật độ dân cư và giá đất tăng cao, làm cho việc triển khai vừa đắt đỏ vừa kéo dài.
Cách làm ở nhiều quốc gia là khi đã có định hướng quy hoạch, nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất đai, thường là khi mật độ dân cư và giá đất còn thấp. Việc đầu tư xây dựng có thể không cần phải thực hiện ngay nếu nhu cầu thực tế chưa có nhưng thu hồi đất đai là bảo vệ lợi ích công cộng và tiết kiệm tiền thuế của người dân. Trong trường hợp quy hoạch bị thay đổi, dự án không triển khai nữa thì chính quyền có thể bán đi quỹ đất đã thu hồi để trả lại tiền cho ngân sách.
Đánh giá về mô hình thu hồi đất hai bên đường để bán đấu giá, vị chuyên gia cũng chỉ ra nhiều vấn đề pháp lý như: Cơ sở nào để đề xuất quy mô thu hồi? Mức độ tăng giá đất để đền bù? Cơ sở nào để thu hồi nhà của một gia đình để sau này bán cho một gia đình khác giá cao hơn chỉ vì họ sinh sống gần một tuyến đường được quy hoạch?
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, ở Trung Quốc người ta lấy vào 2 bên đường đến 50m để xây dựng hạ tầng đồng bộ với tuyến đường, giải quyết kiến trúc quy hoạch tuyến đường.
Luật Quy hoạch đô thị từ năm 2009 cũng quy định rất rõ việc quy hoạch hai bên đường, lấy vào 50m để chúng ta có thể đấu thầu miếng đất đó. Những ai mua miếng đất này phải tuân theo quy hoạch chung. Số tiền thu được có thể bù vào chi phí quy hoạch, làm đường. “Vấn đề ở đây là chúng ta có quyết liệt và thực sự mong muốn làm hay không?”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, chủ trương thu hồi, khai thác quỹ đất 2 bên đường đã có trong Nghị quyết 19 và trong Luật Đất đai 2013. Theo đó, nội dung quy hoạch phải thể hiện khai thác quỹ đất hai bên đường. Khi thu hồi đất phải đảm bảo thỏa mãn quy định tại điều 62 của Luật Đất đai về mục đích thu hồi. Đồng thời, phải thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người có đất thu hồi.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, mở rộng thêm 2 bên đường sau GPMB là một hình thức được quy định trong Luật Thủ đô. Ngay cả việc cho phép lập thiết kế đô thị riêng để phục vụ cho chỉnh trang thành phố cũng được quy định rõ. Luật Thủ đô cho phép HĐND thành phố ban hành Nghị quyết tương đương với Nghị định nhưng trên thực tế điều khoản này còn hạn chế và chưa được kích hoạt.
Tiền phong