Để không "lạc lối" trên con đường khởi nghiệp, hãy ghi nhớ 5 bài học sau
John Rampton, một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất tới thế giới trực tuyến đã đưa ra các bài học kinh nghiệm cho những người muốn thành công trên con đường khởi nghiệp.
- 17-05-2016Ra mắt quỹ khởi nghiệp 30 tỷ đồng dành cho giới trẻ Sài Gòn
- 14-05-2016Khởi nghiệp không dễ dàng như những gì chúng ta thấy trên mạng
- 10-05-2016"Đừng quá vọng tưởng, mong ước thành công sớm và hưởng thụ khi khởi nghiệp"
- 08-05-2016"Khởi nghiệp không phải là cuộc chơi mà là hành trình gian khổ"
John Rampton là một nhà đầu tư người Mỹ, một chuyên gia về marketing online, cũng là người sáng lập của công ty thanh toán trực tuyến Due.
John Rampton từng xếp vị trí thứ 3 trong "Top 50 người có ảnh hưởng đến thế giới trực tuyến" do Entrepreneur Magazine bình chọn. John khá nổi tiếng trong giới doanh nhân và lĩnh vực kết nối tại Mỹ, nhưng không nhiều người biết rằng thuở hàn vi, anh chỉ là một nhân viên giao báo.
Trên những nẻo đường giao báo, anh đã có cơ hội gặp gỡ những người giàu có, tiếp cận được với những suy nghĩ, thói quen, hành động cùng những bí quyết kinh doanh thành công của họ. Và đó chính là những “con đường” dẫn cậu bé giao báo bước vào thế giới giàu sang.
John Rampton chia sẻ 5 bài học dẫn lối thành công quý giá mà anh đã học được khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.
Luôn đặt câu hỏi
Trong rất nhiều trường hợp, việc đặt câu hỏi sẽ tốt hơn đưa ra giả định. Trước đây tôi từng có quan niệm sai lầm rằng, đặt câu hỏi sẽ khiến người khác đánh giá tôi là một kẻ ngốc và không đủ trình độ trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, bạn càng đặt nhiều câu hỏi bao nhiêu thì càng tiết kiệm được thời gian và tiền bạc bấy nhiêu. Đặt câu hỏi đồng nghĩa với việc bạn hứng thú học hỏi và luôn muốn lắng nghe người khác. Không ai từ chối hoặc đánh giá thấp một người cầu tiến khi họ đặt câu hỏi.
Nếu một ai đó đánh giá thấp bạn chỉ vì bạn đặt câu hỏi, hãy bỏ qua những lời đánh giá đó. Bởi đơn giản, bạn chỉ đang thu thập thêm thông tin giúp cho quá trình ra quyết định của mình hiệu quả hơn.
Đừng bỏ học đại học
Đừng nghĩ ai cũng có thể trở thành Bill Gates hay Mark Zuckerberg.
Chúng ta thường nghe nhiều câu chuyện về những doanh nhân trẻ bỏ học giữa chừng và thành công. Họ trở thành thần tượng đối với nhiều người. Tuy nhiên, tôi sẽ không khuyến khích các bạn trẻ bỏ học đại học để khởi nghiệp.
Khi bạn học đại học, bạn sẽ có nền tảng kiến thức vững chắc và đa dạng về mọi vấn đề. Điều này sẽ rất hữu ích cho việc kinh doanh của bạn, đặc biệt là khi bạn bắt đầu khởi nghiệp với số vốn ít ỏi và chưa có kinh nghiệm thực tế.
Tất nhiên, tôi vẫn phải thừa nhận rằng trường lớp chỉ cung cấp những thứ nền tảng nhất, còn thực tế mới là người thầy “nghiêm khắc” nhất dẫn bạn đi đến thành công. Do vậy bạn hãy nắm bắt tối đa cơ hội, hãy cố gắng học hỏi mọi lúc mọi nơi.
Tìm một cộng sự (hoặc một người tư vấn)
Ban đầu khi mới khởi nghiệp, tôi lựa chọn làm một mình mà không tìm bất cứ người cộng sự nào. Nhưng ngay sau đó, tôi nhận ra rằng, hai người bao giờ cũng tốt hơn một. Có một người cộng sự sẽ giúp bạn đánh giá vấn đề một cách toàn diện hơn; đồng thời đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Cộng sự sẽ là người bổ sung những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm mà bạn còn thiếu để dẫn dắt công ty thành công.
Đôi khi bạn cũng có thể tìm thêm những người tư vấn tin cậy, họ sẽ chỉ cho bạn những kinh nghiệm quý báu giúp bạn điều hành doanh nghiệp tốt hơn.
Hài lòng với thành công ban đầu
Hài lòng với những thành công nhỏ, học tập từ những thất bại lớn.
Khi mới thành lập công ty, tôi luôn hướng đến những dự án lớn và nghĩ rằng đó mới là thành công. Tuy nhiên, điều tôi hối tiếc vì đã không nhận ra khi đó là ngay cả những thành công nhỏ cũng có thể dẫn lối bạn đến thành công khác lớn hơn. Do vậy, hãy tập hài lòng với những thành công bước đầu và đừng bao giờ phàn nàn về thất bại.
Bạn hãy ăn mừng khi đạt được bất cứ điều gì đó, bởi nó cho thấy bạn đã vượt qua được những khó khăn và trở ngại để đi đạt thành quả. Đây sẽ là yếu tố khích lệ tinh thần và giúp bạn vươn lên.
Tạo niềm vui trong cuộc sống
Thời điểm mới khởi nghiệp, tôi làm việc như một kẻ điên đến mức quên ăn quên ngủ. Tôi bận đến mức quên cả những thói quen hàng ngày và bỏ qua nhiều niềm vui trong cuộc sống. Tôi luôn trong trạng thái lo lắng và căng thẳng vì áp lực công việc.
Giờ đây, tôi ở nhà nhiều hơn, quan sát các con tôi trưởng thành mỗi ngày và rút ra nhiều bài học quý giá từ cuộc sống áp dụng vào việc ra quyết định kinh doanh.
Trí thức trẻ/CafeBiz