Đề nghị Bộ Công Thương minh bạch số liệu xăng dầu
Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu treo biển đóng cửa, hết hàng (Ảnh: Nguyễn Bằng).
Đại diện các doanh nghiệp xăng dầu và chuyên gia trong ngành cho rằng, Bộ Công Thương cần minh bạch việc điều hành thông qua làm rõ vai trò của khoảng 500 thương nhân phân phối và các tổng đại lý xăng dầu thời gian qua.
- 12-10-2022Cập nhật mới nhất của IMF: Dự báo tăng trưởng cho Việt Nam, Singapore, Malaysia... thay đổi ra sao?
- 11-10-2022Điểm nổi bật của địa phương đang nắm giữ hơn 90% trữ lượng dầu mỏ của cả nước
- 11-10-2022Báo nước ngoài nhận định ra sao về việc Việt Nam trở thành “con hổ mới của châu Á”?
Không còn vốn nhập xăng dầu
Về việc thiếu nguồn cung trên thị trường, chia sẻ với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng, để trấn an dư luận, minh bạch chính hoạt động của Bộ Công Thương, cơ quan này cần yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp đầu mối hằng ngày nộp số liệu tồn rồi công bố số liệu đó lên trang web của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu toàn quốc nắm được và cùng giám sát.
Một chuyên gia trong ngành xăng dầu nói rằng, Bộ Công Thương đã thừa nhận việc doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cùng hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ đang trong cảnh không còn vốn nhập xăng dầu do bị lỗ kéo dài.
“Nếu không làm triệt để, Bộ Công Thương sẽ mãi loay hoay với việc đưa quản lý thị trường đi tìm nguyên nhân trong suốt 1 tháng rưỡi qua mà rốt cuộc vừa phí tiền của Nhà nước, vừa gây bức xúc cho doanh nghiệp xăng dầu. Về nguồn cung, cơ quan quản lý cũng cần làm việc với chủ sở hữu hai nhà máy lọc dầu là Bình Sơn và Nghi Sơn để chia sẻ lợi nhuận, cho doanh nghiệp tăng mua hàng trả chậm hoặc có giải pháp cung ứng xăng dầu cho thị trường", vị này đề xuất.
Theo thông tin của PV Tiền Phong, ngày 11/10, có thêm nhiều doanh nghiệp xăng dầu ở các địa phương như An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, Tây Ninh… có văn bản xin tạm dừng bán hàng do thua lỗ và mất khả năng thanh toán tiền mua hàng. Theo thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã ngưng nhập khẩu xăng dầu. Xuyên Việt Oil là một trong những doanh nghiệp đầu mối lớn với mức dự trữ bình quân 100.000 -120.000 m3/tháng, sản lượng bán bình quân 1.160m3/ngày.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống nhưng không thể gánh thêm cho thị trường khi nhiều doanh nghiệp khác không nhập hàng. Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000 m3; PVOil còn khoảng 230.000 m3... Nhu cầu lên tới 1,75-2 triệu m3 xăng dầu mỗi tháng trên toàn quốc, nên việc đảm bảo nguồn cung được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Đề nghị bỏ các quy định “hành” doanh nghiệp
Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. VINASME đưa ra 5 nhóm kiến nghị đề nghị Bộ Công Thương giải quyết.
“Bộ Công Thương cần rà soát, cắt giảm một số thủ tục hành chính, các giấy phép con, gây phiền hà cho doanh nghiệp cùng các quy định không phù hợp. Các quy định hiện nay quá nhiều khâu trung gian trong chuỗi phân phối xăng dầu, dẫn tới nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, tăng chi phí tuân thủ”, VINASME kiến nghị.
Giá xăng tăng 560 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.960 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 11/10, giá xăng E5 RON 92 bán lẻ tăng 560 đồng/lít, lên 21.710 đồng/lít; xăng RON 95 bán lẻ tăng 560 đồng/lít, lên 22.440 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.140 đồng/lít, lên 23.270 đồng/lít. Tăng mạnh nhất là dầu diesel với mức tăng 1.960 đồng/lít, lên 24.640 đồng/lít. Như vậy, giá xăng dầu lần đầu tăng giá trở lại sau 4 phiên giảm giá liên tiếp.
Đánh giá về việc điều hành thị trường của các cơ quan quản lý, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương đang có vấn đề khi mà thị trường thay đổi rất nhanh chóng nhưng những gì diễn ra cho thấy cơ quan quản lý chưa theo kịp. Theo ông Thịnh, trước hết là về cơ chế, rõ ràng là cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ là chưa rõ ràng, cụ thể. Tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp ở từng khâu chưa được đề cao, mới dẫn đến việc các cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu bị ép giá thông qua chiết khấu. Bất cập khác chính là cơ quan quản lý đã không tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu trên thị trường.
“Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để đảm bảo nhu cầu, không để thiếu đột xuất. Thêm nữa thì khâu kiểm tra, phân phối hạn mức nhập khẩu đã có nhưng khâu kiểm tra, giám sát xem các đầu mối có nhập đúng, nhập đủ theo đúng thời hạn quy định hay không cũng là một đòi hỏi rất quan trọng”, ông Thịnh nói.
Theo kiến nghị của các chuyên gia và doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương cần công khai làm rõ và trả lời trước dư luận vì sao chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối thực hiện nhập khẩu xăng dầu trong quý 3 vừa qua dẫn đến sản lượng xăng, dầu nhập khẩu đã giảm từ 35-40% so với quý trước đó.
Mời doanh nghiệp họp về nguồn cung
Theo thông tin của PV Tiền Phong, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc mời đại diện Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự cuộc họp bàn trong sáng 12/10 về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Theo thông tin của Bộ Công Thương, đến ngày 10/10, tổng cộng hơn 400 cửa hàng xăng dầu trên cả nước đóng cửa, ngừng hoạt động và gián đoạn nguồn cung. Bộ Công Thương cho biết, hiện tượng này không phải phổ biến nếu so với tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Tiền Phong