MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân tội rửa tiền

20-02-2017 - 22:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Chính phủ được đề nghị có quan điểm chính thức về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền...

Chính phủ không trình nhưng Ngân hàng Nhà nước tha thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn với đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Sáng 20/2 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Có mở rộng trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân hay không là vấn đề chưa thể chốt.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự đối với tất cả các pháp nhân mà không chỉ giới hạn trong pháp nhân thương mại. Ý kiến khác đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Uỷ ban Tư pháp trình bày, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Việc chỉ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đã được Quốc hội khóa 13 thảo luận kỹ và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định. Do đó, đề nghị giữ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và không mở rộng trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân khác.

Về đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố (điều 300) và tội rửa tiền (điều 324), Uỷ ban Tư pháp nêu rõ vấn đề này đã được Quốc hội khóa 13 cân nhắc và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hai tội danh trên thì có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Do đó, Thường trực Uỷ ban Tư pháp đã có văn bản đề nghị Chính phủ có quan điểm chính thức về vấn đề này, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến phát biểu, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền đã được báo cáo với Chính phủ nhiệm kỳ trước.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là cần xem xét vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về nội dung này và từng bị đưa vào danh sách các nước thiếu hụt nghiêm trọng cơ chế phòng chống rửa tiền và có nguy cơ bị đưa xuống hạng mục nghiêm trọng hơn.

Theo Phó thống đốc, vừa qua Thủ tướng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước có văn bản cam kết sẽ xây dựng cơ chế để phòng chống rửa tiền. Ông Tiến nhấn mạnh, nếu không xử lý thận trọng sẽ tạo ra bất lợi trong hoạt động kinh tế cũng như hình ảnh của Việt Nam với quốc tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói rõ là Chính phủ không trình nội dung mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền nhưng Ngân hàng Nhà nước tha thiết đưa ra và một số bộ cũng đồng ý. Ông Định đề nghị Chính phủ cần có ý kiến chính thức về vấn đề này căn cứ ý kiến của từng bộ thì rất khó.

Chia sẻ quan điểm đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo đi báo cáo lại nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng nói đến nguy cơ Việt Nam sẽ lọt vào "danh sách đen" nếu không xử lý được trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, báo cáo Chính phủ.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ phải có báo cáo bằng văn bản thể hiện rõ quan điểm trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên