Đề nghị chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực thanh toán chi phí phá dỡ phần vi phạm
Công trình 8B Lê Trực tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội từng được biết đến là công trình “điển hình" về vi phạm trật tự xây dựng. Sau gần 4 năm hoàn thành cưỡng chế, phá dỡ hạng mục vi phạm, công trình này vẫn chưa hết tai tiếng khi chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán chi phí cưỡng chế mà cơ quan chức năng đã tạm ứng.
Theo Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, để thực hiện phá dỡ phần vi phạm của Dự án 8B Lê Trực, UBND quận Ba Đình đã tạm ứng hơn 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận. Trong đó, tạm ứng năm 2016 khoảng 5,2 tỷ đồng, năm 2020 gần 17 tỷ đồng. Từ thời điểm hoàn thành xử lý hạng mục vi phạm đến nay, quận Ba Đình đã nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần May Lê Trực thanh toán kinh phí phá dỡ công trình vi phạm, song tới nay, Công ty vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ hoàn trả ngân sách đối với khoản chi phí này.
Cũng theo Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, quá trình trao đổi để giải quyết việc thanh toán phần ngân sách đã tạm ứng, Ủy ban nhân dân quận đã nhiều lần mời chủ đầu tư tới để làm việc, nhằm giải quyết dứt điểm, nhưng phía Công ty Cổ phần May Lê Trực đều vắng mặt.
Chỉ trong 2 tháng gần đây, UBND quận Ba Đình đã 5 lần gửi giấy mời, nhưng phía Công ty không đến làm việc.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cho biết, theo Khoản 4, Điều 95 Luật Nhà ở 2014, kinh phí cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm là do chủ sở hữu nhà ở hoặc chủ đầu tư công trình chi trả, do đó Công ty may Lê Trực phải có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cưỡng chế công trình vi phạm tại số 8B Lê Trực cho UBND quận Ba Đình.
Ông Dũng cho biết thêm: "Quận đã nhiều lần có văn bản gửi cho chủ đầu tư đề nghị hoàn trả chi phí, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện...".
Ở góc độ chủ đầu tư, ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Lê Trực khẳng định, công ty không trốn tránh nghĩa vụ hoàn trả ngân sách số tiền quận Ba Đình đã tạm ứng. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân quận Ba Đình sớm bàn giao hồ sơ quyết toán chi phí phá dỡ để hoàn thiện thủ tục hoàn trả.
"Chúng tôi không chây ỳ. Căn cứ số tiền như thế nào để chi. UBND quận Ba Đình có nghĩa vụ đôn đốc phường, nhà thầu hoàn chỉnh hồ sơ để chúng tôi thanh toán..." - ông Hùng cho biết.
Năm 2015, theo kết quả kiểm tra của cơ quan liên ngành thành phố Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng, khi chủ đầu tư đã xây vượt khoảng 16m, tương đương 5 tầng nhà; diện tích sàn xây dựng thực tế tăng 6.000 m2 so với giấy phép xây dựng…
VOV