Đề nghị EVN áp dụng công thức tính giá điện công bằng hơn
Công thức tăng giá điện bậc thang theo số lượng tiêu dùng như hiện nay là công cụ điều tiết khi cung chưa đủ cầu. Nó đi ngược với quy luật thị trường càng mua nhiều giá càng giảm. Nên làm thế nào để có thừa năng lượng sạch cho dân tiêu dùng và cho sản xuất với giá thành rẻ mới là bài toán lớn, cần đến các nhà quản lý tài năng, chứ không phải những tiểu kỹ lập công thức tính giá.
- 07-03-2024Thanh Hóa đề nghị không sắp xếp nhiều đơn vị hành chính
- 07-03-2024Ngành điện đang đẩy bất lợi cho người dân, doanh nghiệp?
- 07-03-2024Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Australia trong lĩnh vực hydrogen
Từ ngày 9/11/2023 giá điện bán lẻ đã tăng bình quân lên 4,5%. Biểu giá điện bán lẻ mới với 6 bậc như sau (chưa bao gồm VAT):
• Bậc 1: Từ 0 - 50kWh: 1.806 đồng/kWh
• Bậc 2: Từ 51 – 100 kWh: 1.866 đồng/kWh
• Bậc 3: Từ 101 – 200 kWh: 2.167 đồng/kWh
• Bậc 4: Từ 201 – 300 kWh: 2.729 đồng/kWh
• Bậc 5: Từ 301 – 400 kWh: 3.050 đồng/kWh
• Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên: 3.151 đồng/kWh
Điều chỉnh giá điện lần này, theo ông kế toán trưởng EVN, sẽ tăng thêm cho EVN 3.200 tỷ đồng.
Ngoài giá điện tăng đã là nỗi buồn của người tiêu dùng, thì việc chốt chỉ số công tơ cũng gây ra cho người dân sự lo lắng vì có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong cách tính tiền điện theo bậc thang. Trước đây, lịch chốt chỉ số công tơ dao động từ ngày mùng 3 và có thể là đến ngày 20 hằng tháng. Nhưng từ nay bắt đầu chốt vào ngày cuối tháng (áp dụng từ ngày 29/2). Và dẫn đến thực tế là thay vì khách hàng thanh toán tiền điện cho một tháng thì số ngày sử dụng điện trong hoá đơn có thể là từ 41 - 58 ngày. Nếu EVN, ở một bộ phận nào đó, lấy số công tơ của 58 ngày mà áp dụng giá điện bậc thang cho một tháng thì người dân sẽ phải chịu thiệt thòi lớn. Thực tế trong mấy ngày qua, dư luận đã lên tiếng nhiều về vấn đề này. Và EVN đã thanh minh bằng công thức 92-92-184-184-184 mà đúng ra nên áp dụng công thức 100-100-200-200-200.
Công thức 100-100-200-200-200 (từ nhân đôi biểu giá bậc thang 50-50-100-100-100) thoả đáng hơn cho người dân. Công thức 92-92-184-184-184 có lợi hơn cho EVN.
Tại sao EVN lại dùng công thức 92-92-184-184-184 với chỉ có 92% định mức của cả 2 tháng? Đó có thể là do EVN dựa trên số lượng ngày dư quá 1 tháng dao động từ 12-29 ngày của tháng trước, mà ấn định con số 92%.
Còn một công thức khác, dựa trên trung bình thống kê toán học, công bằng hơn cho cả hai phía. Đó là lấy tổng số tiền, chia trung bình cho tổng số ngày, và nhân số ngày của mỗi tháng mà áp dụng công thức bình thường 50-50-100-100-100 riêng biệt cho mỗi tháng.
Cụ thể, vào cuối 29/2/2024 sẽ có các khách hàng:
58 ngày (29 ngày tháng 2, 29 ngày tháng 1)
57 ngày (29 ngày tháng 2, 28 ngày tháng 1)
--
42 ngày (29 ngày tháng 2, 13 ngày tháng 1)
41 ngày (29 ngày tháng 2, 12 ngày tháng 1).
Chúng ta hãy lấy 1 ví dụ cụ thể cho cả 3 công thức. Giả sử khách hàng A vào ngày chốt 29/2/2024, có 58 ngày sử dụng, với tổng số điện sử dụng là 928 kWh. Chia bình quân cho 58 ngày được 16 kWh/ngày. Như vậy, khách hàng A sử dụng 464 kWh trong tháng 1 và 464 kWh trong tháng 2.
Áp dụng ba phương án (PA) cho khách hàng A, nhận được kết quả sau:
1. PA1 (EVN): 92-92-184-184-184
(58 ngày 928 kWh)
92 x 1.806 đ = 166.152 đ
92 x 1.866 đ = 171.672 đ
184 x 2.167 đ = 398.728 đ
184 x 2.729 đ = 502.136 đ
184 x 3.050 đ = 561.200 đ
192 x 3.151 đ = 604.992 đ
Tổng PA1 = 2.404.880 đ.
2. PA2: 100-100-200-200-200
(58 ngày 928 kWh)
100 x 1.806 đ = 180.600 đ
100 x 1.866 đ = 186.600 đ
200 x 2.167 đ = 433.400 đ
200 x 2.729 đ = 545.800 đ
200 x 3.050 đ = 610.000 đ
128 x 3.151 đ = 403.328 đ
Tổng PA2 = 2.359.728 đ.
3. PA3: Trung bình thống kê toán học
• Tháng 1 (464 kWh)
50x 1.806 đ = 90.300 đ
50 x 1.866 đ = 93.300 đ
100 x 2.167 đ = 216.700 đ
100 x 2.729 đ = 272.900 đ
100 x 3.050 đ = 305.000 đ
64 x 3.151 đ = 201.664 đ
Tổng tháng 1 PA3 = 1.179.864 đ.
• Tháng 2 (464 kWh)
50 x 1.806 đ = 90.300 đ
50 x 1.866 đ = 93.300 đ
100 x 2.167 đ = 216.700 đ
100 x 2.729 đ = 272.900 đ
100 x 3.050 đ = 305.000 đ
64 x 3.151 đ = 201.664 đ
Tổng tháng 2 PA3 = 1.179.864 đ.
Tổng tháng 1 + tháng 2 (PA 3) = 2.359.728 đ.
Là số tiền đúng bằng PA2 vài ít hơn PA1 của EVN 45.152 đ.
Trong trường hợp EVN, áp dụng cách tính thông thường thì khách hàng A sẽ phải trả số tiền lớn hơn nhiều như sau.
4. PA4: 50-50-100-100-100
50x 1.806 đ = 90.300 đ
50 x 1.866 đ = 93.300 đ
100 x 2.167 đ = 216.700 đ
100 x 2.729 đ = 272.900 đ
100 x 3.050 đ = 305.000 đ
528 x 3.151 đ = 1.663.728 đ
Tổng PA4 = 2.641.928 đ.
Nhiều hơn PA1 là 237.048 đ, và nhiều hơn PA2, PA3 là 282.200 đ.
Áp dụng PA3 cho tất cả các khách hàng từ 41 ngày (12 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) cho đến 58 ngày (29 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) đưa đến nhận xét thú vị sau.
Chỉ khách hàng 41 ngày (12 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) thì cách tính PA1 của EVN có lợi hơn 6.940 đ. Từ khách hàng 42 ngày (13 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) cho đến 58 ngày (29 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) thì cách tính mà EVN đề xuất áp dụng mang đến bất lợi hơn so với PA3, dựa trên trung bình thống kê toán học. Dưới đây là số liệu cụ thể cho một số ngày đã được tính:
41 ngày: PA1: 1.555.888 đ; PA3: 1.562.828 đ
42 ngày: PA1: 1.604.688 đ; PA3: 1.601.996 đ
44 ngày: PA1: 1.702.288 đ; PA3: 1.689.324 đ
45 ngày: PA1: 1.751.088 đ; PA3: 1.732.988 đ
46 ngày: PA1: 1.799.898 đ; PA3: 1.776.652 đ
48 ngày: PA1: 1.900 730 đ; PA3: 1.865.264 đ
58 ngày; PA1: 2.404.880 đ; PA3: 2.359.728 đ.
Như vậy, số ngày càng tăng, khách hàng càng chịu thiệt nhiều hơn từ ngày 42 cho đến ngày 58.
5. Sai sót về chỉ số công tơ
Ngoài việc chỉ áp dụng định mức bậc thang 1 tháng 50-50-100-100-100 cho cả 2 tháng 1,2 làm tăng đột biến hoá đơn, không loại trừ sai sót về chỉ số công tơ. Trên mạng xã hội, không ít người tiêu dùng cho biết hoá đơn tăng gấp 3 lần, hay bình thường chỉ 1,3-1,5 triệu thì nay tăng lên 4,2 triệu. Bởi thế, ngoài việc kiểm về áp dụng công thức giá bậc thang tách biệt cho từng tháng, cần phải kiểm tra độ chính xác ghi chỉ số công tơ.
Đề xuất
1. Đề nghị EVN áp dụng công thức 100-100-200-200-200 thay cho công thức 92-92-184-184-184. Người dân vừa chịu tăng giá điện lên 4,5% nay lại phải chịu thiệt về công thức áp giá bậc thang thật không công bằng. Hoặc cùng lắm thì theo trung bình thống kê toán học như PA3 công bằng hơn cho cả hai phía, chứ không dùng công thức mặc định 92-92-184-184-184 làm cho người tiêu dùng thiệt hơn.
2. Đề nghị EVN có biện pháp kiểm tra, để không nhầm lẫn áp dụng định mức 1 tháng 50-50-100-100-100 cho bất cứ hoá đơn nào nhiều hơn 1 tháng, và có biện pháp thích hợp để đảm bảo chỉ số công tơ không sai sót. Đồng thời, tiến hành kiểm tra lại tất cả các hoá đơn tăng bất thường của khách hàng.
3. Điều quan trọng, EVN cần có biện pháp quản lý hiệu quả trong toàn ngành, tránh thất thoát, lãng phí, dẫn đến tăng giá thành và nguy cơ cứ sau một thời gian lại đề xuất tăng giá điện. Với bộ máy và cách thức quản lý chưa hiệu quả và nhiều thất thoát như hiện nay, nguy cơ tăng giá điện là khó tránh khỏi.
Công thức tăng giá điện bậc thang theo số lượng tiêu dùng như hiện nay là công cụ điều tiết khi cung chưa đủ cầu. Nó đi ngược với quy luật thị trường càng mua nhiều giá càng giảm. Cho nên, làm thế nào để có thừa năng lượng sạch cho dân tiêu dùng và cho sản xuất mỗi ngày một mở rộng với giá thành rẻ mới là bài toán lớn, cần đến các nhà quản lý tài năng, chứ không phải những tiểu kỹ lập công thức tăng giá điện thế nào để dân đỡ bức xúc.
VOV