"Đề nghị Thống đốc giải trình dự kiến kết quả xử lý nợ xấu để đại biểu yên tâm bấm nút"
Đại biểu của Quảng Ninh cho rằng, với công cụ đặc biệt mà Quốc hội trao cho nghị quyết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần có giải trình đánh giá về kết quả đạt được sau nghị quyết, bao gồm có bao nhiêu nợ xấu sẽ được giải quyết; nợ xấu sẽ giảm về bao nhiêu, lãi suất cho vay thay đổi thế nào, CAR ra sao...
- 12-06-2017Thay đổi nhiều vấn đề lớn trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu
- 12-06-2017Quốc hội thảo luận vòng hai về chính sách mới xử lý nợ xấu
- 07-06-2017ĐBQH: Chỉ rõ ngân hàng nào nợ xấu cao nhất, xử nghiêm lãnh đạo gây nợ xấu
Tham gia thảo luận vòng 2 về vấn đề nợ xấu tại phiên họp ngày 12/6 của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Minh đoàn Quảng Ninh cho rằng, với tỷ lệ nợ xấu tới hơn 10% hiện nay thì nghị quyết xử lý nợ xấu không chỉ là cần thiết mà đúng ra phải ban hành sớm hơn để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD và qua đó hạ lãi suất cho nền kinh tế.
Tuy nhiên khi nghiên cứu hồ sơ dự án và đặc biệt là nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của nghị quyết, đại biểu thấy rằng mới chỉ có đánh giá tác động của từng chính sách mà không có đánh giá tác động tổng thể của nghị quyết.
Do vậy, với công cụ đặc biệt mà Quốc hội trao cho nghị quyết, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải trình về kết quả đạt được sau nghị quyết, bao gồm có bao nhiêu nợ xấu sẽ được giải quyết; nợ xấu sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm và xuống tỷ lệ bao nhiêu trong tổng dư nợ (bao gồm cả nợ nội bảng, nợ tiềm ẩn); lãi suất cho vay sẽ giảm được bao nhiêu; hệ số an toàn vốn được cải thiện ở mức độ nào (đại biểu nói rằng năm 2016 CAR chỉ đạt hơn 12%, thấp hơn mức của năm 2015. Nếu tính theo chuẩn quốc tế thì CAR của Việt Nam chỉ đạt 7,5% - thấp hơn quốc tế tại Basel 2 là 8%).
Mặt khác, theo đại biểu, mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vốn ngân hàng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên GDP liên tục cao hơn rất nhiều so với mức của toàn khu vực. Nếu hệ thống TCTD bị rủi ro, đổ vỡ thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế. Vì thế, đại biểu cho rằng câu trả lời của Thống đốc cần có trong phần giải trình, nếu kết quả đánh giá tác động là khả quan thì mới là cơ sở để đại biểu yên lòng bấm nút thông qua.
Nói về phạm vi xử lý nợ xấu theo 2 phương án mà dự thảo Nghị định đề cập, đại biểu cho rằng phương án 1 áp dụng với mọi khoản nợ xấu cũ và phát sinh mới là quá rộng, làm giảm trách nhiệm của TCTD trong quan hệ tín dụng, đại biểu cho rằng không nên vô tình để nghị quyết này trở thành lá bùa chống lưng cho những sai phạm, hoặc ít nhất là không chịu trách nhiệm ở những TCTD trước đây tiếp tục thua lỗ. Mặt khác, theo đại biểu nghị quyết này là thí điểm, nên việc khoanh lại phạm vi để kiểm nghiệm chính sách mới là phù hợp. Nghị quyết này là đặc thù để giải quyết các khoản nợ xấu đặc thù. Vì thế đại biểu đồng ý với phương án 2 là khoanh nợ xấu xử lý trước 31/12/2016.
Và để làm rõ phương án nào được chọn, đại biểu đề nghị Quốc hội cho tiến hành bỏ phiếu lựa chọn. Nếu phương án 2 được thông qua thì đại biểu cho rằng cũng cần nghiên cứu tiếp hai vấn đề để hoàn thiện nghị quyết. Một là xem lại thời hiệu 5 năm có phù hợp với việc xử lý nợ tồn đọng và kiểm nghiệm chính sách mới không, hay là nên rút ngắn; hai là bổ sung thêm quy định hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý nợ xấu được đồng bộ, ổn định.
Trước đó, theo thông báo của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trong phiên họp hôm nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng sẽ tiếp tục đăng đàn giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu với lượng thời gian là 10 phút.