MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị xử lý trách nhiệm vụ Trịnh Xuân Thanh trốn

07-10-2016 - 16:40 PM | Xã hội

Cử tri Phạm Phước Như (CầnThơ) đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài.

Ngày 7-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1 - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai tại phường Tân An (quận Ninh Kiều).

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương thông tin, kỳ họp này QH sẽ nghe về tình hình biển Đông bao gồm phản ứng của các nước và kế hoạch của nước ta như thế nào sau phán quyết của trọng tài quốc tế đối với Philipines, nghe báo cáo giám sát tối cao về xây dựng nông thôn mới.

Trong việc xây dựng nông thôn mới, điều ĐB quan tâm nhất là làm sao bên cạnh việc cơ sở hạ tầng tốt thì túi tiền phải lớn hơn, tức người dân phải giàu lên chứ vẫn nghèo thì chưa đạt được mục tiêu tối cao của xây dựng nông thôn mới. Đồng thời ĐBQH cũng sẽ thảo luận để tới đây việc xây dựng nông thôn mới được tốt hơn…

Góp ý tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Phước Như cho rằng vấn đề tham nhũng vẫn đang là chủ đề nóng bỏng thời gian qua. Người dân miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng luôn luôn theo dõi vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. “Một vụ án mà đích thân Tổng Bí thư có văn bản chỉ đạo làm ngay thì người dân chúng tôi rất mừng.

Nhưng vụ án chưa kết thúc, chưa xử thì Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài. Vậy thì phải xem lại trách nhiệm của cơ quan chức năng. Bởi không chỉ vụ này, mà nhiều vụ án kinh tế khác cũng đã từng có người trốn ra nước ngoài” - ông Như đặt vấn đề.

Trả lời cử tri ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, cho biết vụ Trịnh Xuân Thanh như các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói nhiều lần là sẽ làm tới cùng, mong cử tri theo dõi. Các ý kiến của cử tri sẽ được các ĐB tổng hợp và phản ánh đến QH đầy đủ.

Xung quanh vấn đề môi trường, cử tri Như cho rằng những nhà máy lớn, có tính chất quốc gia thì phải có quy hoạch, kế hoạch, tầm nhìn vĩ mô chứ không thể thấy tỉnh này làm, tỉnh kia cũng làm theo. Cũng không thể vì thấy địa phương mình còn nghèo, muốn nhanh giải quyết công ăn việc làm mà chấp nhận cho đầu tư mà không tính đến hậu quả môi trường.

Từ vụ Formosa ở miền Trung đến nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang, các ngành, các cấp đã rút kinh nghiệm.

Ông Như cũng cho rằng việc xây dựng nông thôn mới phải “liệu cơm gắp mắm” chứ không thể để như thời gian qua, có địa phương, bí thư huyện mang tiền cho vay xây dựng nông thôn mới bằng lãi suất ngân hàng!

Các tiêu chí nhà văn hóa, chợ, nhiều nơi họ không cần xây quá hoành tráng mà mình làm quy mô lớn rồi không sử dụng thì quá lãng phí.

Do đó, đề nghị xem lại các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, cái nào không cần thiết thì bỏ bớt, để làm sao đạt được mục tiêu chính là đời sống của người dân nâng lên, giàu có hơn.

Theo Nhẫn Nam

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên