MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để thoát khỏi "cuộc chiến vĩnh cửu", Mỹ đã "nhờ vả" nước giàu nhất Trung Đông như thế nào?

13-09-2021 - 21:25 PM | Tài chính quốc tế

Để thoát khỏi "cuộc chiến vĩnh cửu", Mỹ đã "nhờ vả" nước giàu nhất Trung Đông như thế nào?

Một quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có mà nhiều người Mỹ phải vất vả lắm mới tìm thấy trên bản đồ thế giới lại là "vị cứu tinh" cho gã khổng lồ.

Khi chiến dịch không vận lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ ở Afghainstan rơi vào hỗn loạn cho đến tận phút cuối cùng, một quốc gia nhỏ bé, giàu có mà nhiều người Mỹ phải vất vả lắm mới tìm thấy trên bản đồ thế giới, lại là "vị cứu tinh" của gã khổng lồ thế giới này. Đó là Qatar.

Để sơ tán được hơn 120.000 con người rời khỏi Afghanistan chỉ trong chưa đến 3 tuần, quân đội Mỹ thật sự đã nhờ vả vào Qatar rất nhiều.

Và giờ đây, có thể thấy từ vấn đề Afghanistan cho đến chủ nhà World Cup 2022, quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này đang dần đóng một vai trò vững chắc và mang hình ảnh quyền lực hơn trên trường quốc tế.

"Quyền lực mềm" của Qatar

Qatar, một bán đảo đầy cát và nắng ở Vịnh Ba Tư, đã tiếp nhận khoảng 60.000 người Mỹ và cả người dân Afghanistan, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong chiến dịch sơ tán vừa qua của Mỹ.

Có mối quan hệ gần gũi với cả Mỹ và Taliban, quốc gia nhỏ bé này có đủ năng lực để đóng vai trò trung gian mạnh mẽ giữa các nước phương Tây và chính quyền mới do Taliban điều hành ở Afghanistan.

Để thoát khỏi cuộc chiến vĩnh cửu, Mỹ đã nhờ vả nước giàu nhất Trung Đông như thế nào? - Ảnh 1.

Qatar đóng vai trò to lớn trong cuộc di tản của Mỹ khỏi Afghanistan. Ảnh: AP

Qatar là một quốc gia giàu có về trữ lượng khí đốt và từ lâu đã sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để tạo dựng hình ảnh và vị thế trên trường quốc tế. Và giờ họ đang đi đến thành công khi đang gây được sự chú ý quan trọng.

Dù vất vả khi phải cung cấp hàng tấn thực phẩm cùng viện trợ y tế cho Afghanistan và tiếp đón các quan chức Mỹ, nước này vẫn đủ sức để tạo ra tin tức gây chú ý trong làng túc cầu thế giới.

Thông qua việc chiêu mộ thành công cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới Lionel Messi về cho câu lạc bộ Paris Saint-Germain thuộc sở hữu của mình, Qatar đã có được quân cờ chiến lược trên bàn cờ ngoại giao thể thao.

Michael Stephens, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cho biết: "Qatar luôn muốn trở thành một nhân tố toàn cầu, cho dù là tổ chức các sự kiện thể thao lớn, ký hợp đồng với các cầu thủ tầm cỡ, hay thể hiện mình như một tổ chức chính trị và ngoại giao khu vực, đồng thời là một chuyên gia về chính trị vùng Vịnh.

"Không phải lúc nào họ cũng có được sự cân bằng này, nhưng tại thời điểm này, họ dường như đã đưa ra những sáng kiến phù hợp vào đúng thời điểm", ông Stephens nhận định.

Vị thế nhỏ, vai trò lớn

Vai trò to lớn của Qatar trong cuộc không vận lịch sử của Mỹ ở Afghanistan đã nhận được sự ca ngợi từ Tổng thống Biden. Cả Ngoại trưởng Antony J. Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã đến thủ đô Doha của Qatar hôm 6/9 và đã dùng bữa với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani.

"Nhiều quốc gia đã tăng cường hỗ trợ các nỗ lực sơ tán và tái định cư ở Afghanistan, nhưng không quốc gia nào hơn được Qatar", Ngoại trưởng Blinken nói tại một cuộc họp báo ở Doha hôm 7/9.

Ông nói thêm: "Quan hệ đối tác giữa Qatar và Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này". Đứng bên cạnh, Ngoại trưởng Qatar, Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cũng gọi Mỹ là "đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi".

Để thoát khỏi cuộc chiến vĩnh cửu, Mỹ đã nhờ vả nước giàu nhất Trung Đông như thế nào? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Antony J. Blinken tới Doha. Ảnh: Reuters

Khoảnh khắc ấm áp này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Biden sau khi Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có thời điểm ủng hộ Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập phong tỏa cấm vận Qatar.

Lúc đó, các quốc gia này, được Tổng thống Trump hậu thuẫn, đã cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Ả Rập khác nhưng Doha một mực bác bỏ. Chiến dịch phong tỏa hàng loạt này đã kết thúc vào đầu năm nay, trước khi ông Biden nhậm chức.

Giờ đây, chính mối quan hệ tốt đẹp của Qatar với những bên mà Mỹ vẫn coi là "ngoại lai" như Taliban và Iran đã khiến Qatar trở nên vô giá, tạo điều kiện cho nước này thúc đẩy cái mà họ gọi là "ngoại giao phòng ngừa".

"Đôi khi, vị thế nhỏ cho phép bạn giữ những vai trò ấy, bởi bạn không đe dọa bất kỳ ai", Trợ lý Ngoại trưởng Qatar, Lolwah Al-Khater, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Qatar, nhỏ hơn cả bang Connecticut của Mỹ và chỉ có khoảng 300.000 dân, chia sẻ một mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ với Iran. Số tiền thu được từ lượng dầu mỏ này mang lại cho người dân thu nhập bình quân đầu người hơn 90.000 USD mỗi năm, một trong những mức cao nhất thế giới.

Qatar đã sử dụng số tiền đó để tài trợ và quảng bá quan điểm của mình về khu vực thông qua Al-Jazeera, mạng lưới vệ tinh khủng của họ, và đăng cai thành công World Cup 2022. Trong chính sách đối ngoại, Qatar cũng đã duy trì quan hệ với một loạt các nhóm Hồi giáo, bao gồm cả Hamas đang nắm quyền ở Gaza, Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và Taliban ở Afghanistan.

Những mối quan hệ này thật sự hữu ích đối với phương Tây, vốn vẫn luôn dựa vào Qatar để đàm phán về việc thả con tin ở các nước như Syria. Và Qatar đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, mở văn phòng ở Doha vào năm 2013, với sự cho phép ngầm của Mỹ.

Vai trò quan trọng trong bài toán Afghanistan

Thỏa thuận của chính quyền Tổng thống Trump với Taliban, trong đó thiết lập lộ trình rút quân của Mỹ, đã được ký kết ở Doha vào năm ngoái. Và kể từ khi đại sứ quán Mỹ ở Kabul được sơ tán vào tháng trước, Mỹ đã chuyển các hoạt động ngoại giao của Afghanistan đến Doha.

Trong những ngày gần đây, Qatar đã chuyển 68 tấn thực phẩm và viện trợ y tế tới thủ đô Kabul của Afghanistan. Các quan chức và kỹ thuật viên Qatar cũng đã bay đến Kabul để gặp Taliban và làm việc với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ để bàn kế hoạch mở lại sân bay quốc tế của thành phố.

Và Qatar đang sử dụng sức ảnh hưởng của mình để thúc ép Taliban thực hiện các cam kết đã đưa ra.

Trên "sân nhà", Qatar vẫn đang trong cơn sốt của cuộc di tản. Trong khi khoảng 2/3 số người sơ tán đã chuyển sang các nước khác, khoảng 20.000 người vẫn ở Qatar, và nước này đang nỗ lực để cung cấp thực phẩm và dịch vụ chăm sóc y tế cho họ.

Nhiều chuyên gia cho biết, không rõ Qatar sẽ gặt hái được những lợi ích gì trong chiến dịch hỗ trợ Mỹ sơ tán lần này nhưng cũng giống như tất cả các quốc gia vùng Vịnh, họ đang tìm cách tiến gần hơn với Washington.

Theo Nam Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên