MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để tránh những cú sốc giá xăng

14-05-2019 - 07:27 AM | Thị trường

Việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

VINPA cho rằng sau gần năm năm thực hiện, Nghị định 83 đã bộc lộ những bất cập cần được xem xét, nhất là trong bối cảnh điều hành xăng dầu thời gian gần đây.

Để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng

Theo đó, Nghị định 83 quy định tần suất điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 15 ngày. Với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, địa chính trị, tôn giáo liên tục diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay.

Do đó, hiệp hội đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.

Đáng chú ý, trong văn bản của mình, VINPA đề xuất cơ quan chức năng cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ.

“Việc để doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá không chỉ đúng với bản chất của nền kinh tế thị trường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp được chủ động về giá sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá trên thị trường (sẽ có giá bán khác nhau giữa các thương nhân) và chất lượng dịch vụ để thu hút người tiêu dùng” - VINPA nêu quan điểm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xăng dầu cũng kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.

Bởi theo các doanh nghiệp, việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (mỗi lít xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam đều tự động trích 300 đồng để đưa vào quỹ) khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Để tránh những cú sốc giá xăng - Ảnh 1.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá vì làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Ảnh: TÚ UYÊN

Không nên coi quỹ bình ổn là “chiếc đũa thần”

Trao đổi với chúng tôi về những đề xuất trên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng điều hành xăng dầu ở Việt Nam hiện nay vẫn cần có quỹ bình ổn giá để tránh những cú sốc khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Tuy vậy, việc sử dụng quỹ ra sao cần được nhà điều hành tính toán hợp lý để tránh giật cục, không lạm dụng quá nhiều quỹ và xem nó như “chiếc đũa thần” như trong thời gian qua. “Đặc biệt, không chỉ người tiêu dùng mà Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tham gia quỹ” - ông Long nhấn mạnh.

Về tần suất điều chỉnh giá, ông Long đồng tình quan điểm đưa tần suất điều chỉnh về 10 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay để đảm bảo giá trong nước sát với giá thế giới hơn.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nên xem xét lại quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông Bùi Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch VINPA, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đánh giá rằng cách trích lập quỹ bình ổn xăng dầu trong thời gian vừa qua “đang có vấn đề”.

Theo ông Bảo, quỹ đang bị lạm chi và chưa bao giờ có trong điều hành xăng dầu trước đây. “Việc dùng quỹ bình ổn kéo dài tạo rủi ro cho các doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập quỹ cũng cần xem xét lại” - ông Bảo đề nghị.

“Tốt nhất là nên bỏ nhưng…”

Tại họp báo của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Cá nhân tôi không muốn tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tốt nhất là nên bỏ quỹ này để giá xăng dầu vận hành theo thị trường. Nhưng thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước nên vẫn cần phải có quỹ bình ổn”.

Mấu chốt là tạo ra thị trường cạnh tranh

Cùng với các nội dung trên, VINPA còn đề xuất sửa Nghị định 83 theo hướng bổ sung thêm quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu trong khi Việt Nam chưa mở cửa thị trường này.

Bởi Nghị định 83 hiện nay không quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức kinh doanh xăng dầu tại thị trường nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại Công ty Idemitsu Q8 (Nhật Bản) là công ty 100% vốn nước ngoài đã tham gia vào hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Công ty này đã đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên Chính phủ đã chấp thuận cho đơn vị này được quyền phân phối sản phẩm do họ sản xuất.

“Dự kiến sắp tới sẽ có nhà máy lọc hóa dầu 100% vốn nước ngoài được đầu tư tại Việt Nam và họ cũng sẽ tham gia kinh doanh xăng dầu tại thị trường nội địa” - Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dẫn chứng.

Trao đổi với PV, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cơ quan thường trực điều hành giá xăng dầu, cho biết hiện Vụ đang nghiên cứu kỹ các nội dung đề xuất này và chưa đưa ra bình luận cụ thể từng đề xuất.

Tuy nhiên, qua thực tế, Vụ Thị trường trong nước nhận thấy có một số đề xuất hợp lý. “Về cơ bản, Nghị định 83 đã phản ánh đúng tinh thần kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét lại một số nội dung nhằm cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” - ông Đông nói.

Một chuyên gia am hiểu về xăng dầu thì cho rằng để tránh những cú sốc xăng dầu như thời gian qua, quan trọng nhất là Nhà nước cần trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn để họ chủ động về hàng hóa, thời gian và giá bán. Từ đó các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng thực sự, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Giá xăng dầu thế giới giảm, trong nước vẫn cao

Sau đợt tăng giá xăng dầu trong nước vào ngày 2-5, giá xăng dầu thành phẩm thế giới lao dốc mạnh, từ mốc 80 USD/thùng xuống còn khoảng 72 USD/thùng.

Đáng nói là trong lúc giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn neo ở mức cao. Bởi theo quy định, đến ngày 17-5 nhà điều hành mới tính toán cho chu kỳ giá xăng dầu mới.

Theo Trà Phương - Chân Luận

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên