MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để trẻ em ngồi phía trước xe máy bị phạt đến 10 triệu đồng? Chở con đi học như thế nào để không "rơi tiền"?

14-01-2025 - 15:25 PM | Sống

Người điều khiển xe máy chỉ được chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước, nếu hơn 6 tuổi ngồi phía trước sẽ bị xử phạt theo Nghị định 168/2024.

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin về về việc người đi xe máy sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng khi chở trẻ em từ 6 tuổi ngồi phía trước xe máy.

Điều này khiến cho nhiều phụ huynh khá hoang mang và cho rằng chở trẻ em đi học cũng sẽ bị xử phạt.

Vậy hiểu như thế nào về quy định này?

Để trẻ em ngồi phía trước xe máy bị phạt đến 10 triệu đồng? Chở con đi học như thế nào để không

Ảnh minh hoạ

Trẻ em bao nhiêu tuổi được ngồi phía trước khi đi xe máy?

Tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Theo khoản 7 Điều 5 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau khi chở trẻ em dưới 6 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô.

Theo điểm h khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe, trừ trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước.

Như vậy, trẻ em dưới 6 tuổi được ngồi phía trước khi đi xe máy.

Để trẻ em ngồi phía trước xe máy bị phạt đến 10 triệu đồng? Chở con đi học như thế nào để không

Ảnh minh hoạ

Mức xử phạt với lỗi chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi phía trước khi đi xe máy

Theo quy định tại khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Hành vi

Mức xử phạt

Mức trừ điểm GPLX

Phạt bổ sung

CSPL

Chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi phía trước khi đi xe máy

(Hành vi ngồi phía sau (tức người lái xe) vòng tay qua người ngồi trước (tức trẻ em từ 6 tuổi trở lên) để điều khiển xe)

8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Không có

Tước quyền sử dụng GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng

Điểm h khoản 9 và điểm b khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP

Chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi phía trước khi đi xe máy mà gây tai nạn giao thông

(Hành vi ngồi phía sau (tức người lái xe) vòng tay qua người ngồi trước (tức trẻ em từ 6 tuổi trở lên) để điều khiển xe)

10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng

10 điểm GPLX

Không có

Điểm b khoản 10 và điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP

Như vậy, từ năm 2025, chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước xe máy là hành vi được pháp luật cho phép và không bị xử phạt.

Tuy nhiên, nếu chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi phía trước, người điều khiển xe có thể bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng do vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Lý giải về quy định này, theo CSGT, trẻ em ngày nay phát triển nhanh, 6 tuổi đã cao từ 1,15 - 1,3 m nên cho các em ngồi phía trước xe máy dễ che tầm nhìn của người lái xe, có thể gây tai nạn giao thông.

Trường hợp chở trẻ em dưới 6 tuổi ngồi phía trước người điều khiển xe máy sẽ không bị xử phạt nhưng người chở cần bảo đảm an toàn cho trẻ bằng đai cột.

Tóm lại, để chở trẻ em đi học phía trước và phía sau trên xe máy không bị phạt, người điều khiển xe máy cần tuân thủ đúng quy định về số tuổi của trẻ về bố trí chỗ ngồi trên xe: Dưới 6 tuổi có thể ngồi phía trước xe máy, trên 6 tuổi bắt buộc phải ngồi phía sau người điều khiển.

Để trẻ em ngồi phía trước xe máy bị phạt đến 10 triệu đồng? Chở con đi học như thế nào để không

Cần tuân thủ quy định chở trẻ em bằng xe máy an toàn và đúng luật. Ảnh: OK xe

 Quy định về số người được chở trên xe máy

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:

- Chở người bệnh đi cấp cứu;

- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

- Trẻ em dưới 12 tuổi;

- Người già yếu hoặc người khuyết tật.

Như vậy, người chạy xe máy không được chở cùng lúc 2 người trên 12 tuổi trên xe.

Theo Hạ Vũ

Phụ nữ số

Trở lên trên