Để trở thành nhà lãnh đạo "vạn người mê", đừng ném mình vào những trò than thở, tranh đấu vặt vãnh nơi công sở, hãy nắm vững và thực hành 5 bí quyết sau
Trước khi trở thành lãnh đạo, ai cũng từng là nhân viên. Đang là nhân viên, tưởng làm lãnh đạo "ngon ăn", chỉ cần ngồi chỉ tay năm ngón là mọi việc có người làm răm rắp. Bản thân người làm lãnh đạo nhiều khi cũng không rõ chính mình phải làm gì, luôn thấy đám nhân viên là đám lười biếng, vô dụng.
Cả hai cái nhìn đó đều hoàn toàn sai lệch và không có ích gì cho việc phát triển sự nghiệp chung.
Một tổ chức tốt giống một con người đủ ba phần: bộ não, trái tim và chân tay. Người chủ là bộ não, bộ máy hoạt động là trái tim, còn những người hoạt động trong tổ chức là chân tay.
Một người khỏe mạnh là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ não, bộ máy hoạt động, và chân tay. Đó là quy tắc của thân thể, cũng là bí quyết để một tổ chức phát triển vững mạnh.
Có 5 bí quyết, chính là 5 giai đoạn để tạo thành một tổ chức như vậy:
1. Xây dựng tầm nhìn về sự thay đổi
Những người phải cân nhắc về tầm nhìn là những người luôn băn khoăn vấn đề hiện tại là gì, phải làm gì để cải thiện các vấn đề. Sau đó sẽ làm gì tiếp theo, thực hiện dựa trên những khía cạnh nào (tài chính, nhân lực, năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh, năng lực quản lí), và bao lâu nữa sẽ đạt đến mục tiêu đã định.
Thiếu những yếu tố này, tổ chức kinh doanh phải "lần sờ" từng bước để đến đích. Xây dựng tầm nhìn giống như thắp sáng ngọn hải đăng định hướng cơ nghiệp đi đúng đường. Thiếu ánh sáng, không thấy mục tiêu nào, sẽ chẳng biết về đâu.
2. Biến tầm nhìn thành các bước thực hiện cụ thể
Các bước thực hiện, hay còn gọi là cách thực thi. Người làm kinh doanh luôn nhắm tới sự thay đổi để thích nghi với thị trường, hoặc để tạo ra xu hướng mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nếu xét về tầm nhìn và chiến lược, thì mấu chốt đặt ở người lãnh đạo.
Nếu xét về mặt hành động, thì trọng tâm cần đặt vào toàn hệ thống. Như thế mới xây dựng được tính nhất quán trong hành động. Cho nên, thực thi đồng nghĩa với việc biết giao phó, biết chọn người làm đúng việc, và đảm bảo cả tập thể làm việc hiệu quả.
3. Xây dựng nhóm những người thân cận để thực hiện công việc
Ai sẽ đồng hành cùng chúng ta trên con đường kinh doanh? Người lãnh đạo biết nhìn nhận nhân tài, thu hút và đào tạo họ trở thành những người đắc lực. Nhân tài chứ không phải vốn hay cơ sở hạ tầng là điều tạo nên lợi thế kinh doanh.
4. Lựa chọn và truyền thụ cho người kế nhiệm
Không chỉ nhìn thấy những vấn đề kinh doanh trước mắt, người kinh doanh giỏi nên nhìn xa tới mức tính toán được những thế hệ kế nhiệm.
Ở phương Đông có truyền thống, người làm công cũng giống một đứa con sinh ra trong gia đình. Họ cống hiến cả đời cho ông chủ, không rời bỏ. Cho nên tính toán về thế hệ kế nhiệm là một câu chuyện xa dài. Ngay cả ở thời hiện đại, tuy người nhiều nhưng người có thể làm được việc thì rất ít, người vừa làm được việc vừa gắn bó với sứ mệnh chung của công ty lại càng hiếm hoi. Những nhà lãnh đạo cần tính tới điều này. Sự thay đổi các vị trí lãnh đạo cấp cao là điều thường xuyên xảy ra. Người đứng đầu cần có kế hoạch về người thay thế sẵn sàng khi cần.
Chính vì vậy, việc một nhà lãnh đạo cần làm là giúp nhân viên nhận thức về các bước tiến và cơ hội nghề nghiệp của họ. Giống như là, bạn đưa ra một miếng bánh, phải có người biết và đến lấy miếng bánh đó, không thì nó mốc meo mất.
5. Luôn nỗ lực để trở nên vượt trội
Cuối cùng, người lãnh đạo cần tập trung vào bản thân. "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" – mọi thứ đều bắt đầu từ chính mình. Bản thân tốt mới tề được gia. Tề được gia mới nghĩ tới chuyện trị quốc. Trị quốc tốt rồi mới có thể bình thiên hạ.
Nên người bán hàng cũng thế, làm lãnh đạo cũng vậy, luôn phải chú ý tới việc nâng cao năng lực bản thân.
Luôn khiêm nhường, ham học hỏi. Bất cứ ai có điều tốt, ta đều nên kính cẩn học theo, không nuôi dưỡng tâm lí tự cao, đắc chí.
"Nhà lãnh đạo vạn người mê" là một trong những cuốn sách hay về đề tài "sếp - nhân viên".
Nhìn đơn giản thế, nhưng làm đúng thế không hề dễ. Bạn cần đem hết đam mê nhiệt huyết của mình để cống hiến cho những điều bạn tin tưởng.
Cuộc đời là một cuộc hành trình gian nan. Làm kinh doanh cũng vậy, không phải chỉ kiếm dăm ba đồng đút túi, cuối đời dưỡng già hay ném mình vào đống tiền xa hoa. Làm thương gia không chỉ nghĩ vài điều trước mắt mà cần tính chuyện xa dài. Sự trưởng thành luôn bắt đầu từ một nghịch cảnh, vượt qua nó bạn sẽ tiến bước trong cả trí tuệ và sự nghiệp.
Và cho dù bây giờ bạn chỉ là một anh nhân viên quen, nếu bạn nắm vững và thực hành 5 bí quyết trên, bạn sẽ trở thành một nhân viên kiệt xuất, đắc lực, tự tin và làm chủ chính công việc của mình. Đó là một bước tiến để bạn trở thành nhà lãnh đạo vạn người mê trong tương lai. Đừng ném đời mình vào những trò than thở, tranh đấu vặt vãnh nơi công sở để rồi sống một đời làng nhàng dang dở. Hãy phấn đấu ngay từ bây giờ.
(Quan điểm của LYS, tác giả cuốn sách "Nhà lãnh đạo vạn người mê")