Để tuổi 30 không hối tiếc: Công việc không cần ổn định, thời gian không cần dùng hết, kiến thức không cần học hết nhưng tư duy của bạn không được phép lười biếng
“Mỗi sáng thức dậy, tôi đều thử khiến mình của ngày hôm nay thông minh hơn ngày hôm qua. Nói một cách khác, nếu như chúng ta không thể định nghĩa sự trưởng thành, cuối cùng rồi cũng sẽ bị xã hội đào thải”.
- 31-05-2019Nghèo khó về tài chính không đáng sợ bằng nghèo khó trong tư duy: Còn giữ mãi những suy nghĩ này, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống
- 30-05-2019Tư duy có 3 cấp độ, nhưng ít ai có thể vượt qua cấp đầu tiên: Chỉ người thông minh mới biết cách nâng tầm suy nghĩ, hạn chế "điểm mù" để tìm ra cách giải quyết vấn đề vượt trội hơn
- 29-05-2019Tư duy hạn hẹp là gốc rễ của mọi vấn đề: Muốn trở thành triệu phú, trước tiên bạn phải học cách tư duy, hành động như một người giàu
20 – 30 tuổi là thời kỳ hoàng kim, sinh lực dồi dào nhất của mỗi người. Nhưng điều đáng tiếc là, có rất ít người hiểu được thế nào là "nước chở được thuyền".
Nước ở đây là "thế lực". Đại đa số chúng ta chỉ biết cặm cụi làm việc và hài lòng với những gì hiện có. Đến nỗi phấn đấu lệch hướng mà không hề hay biết gì.
So với giai đoạn tuổi 20-30, giai đoạn 30-40 tuổi càng giống như "thời kỳ leo dốc" khó khăn. Lúc này bản lĩnh "nghé con không biết sợ cọp" của bạn đã được thay thế bởi những "suy nghĩ tường tận, lo trước tính sau". Bởi suy cho cùng, con người bước sang tuổi trung niên không những phải xem xét lại nửa chặng đường đã qua mà còn phải triển khai và kỳ vọng tiếp vào nửa chặng đường còn lại.
Chính xác hơn đó là chúng ta đã bắt đầu bước vào thế giới "định nghĩa lại". Giống như 10 năm trước, Steve Jobs định nghĩa lại hoa quả là điện thoại. Tiếp theo đó là xã giao, bán lẻ, tài chính, kinh doanh chế tạo, điều trị y tế, giáo dục… mọi thứ đều được các bô lão định nghĩa lại.
Charlie Munger nói: "Mỗi sáng thức dậy, tôi đều thử khiến mình của ngày hôm nay thông minh hơn ngày hôm qua. Nói một cách khác, nếu như chúng ta không thể định nghĩa sự trưởng thành, cuối cùng rồi cũng sẽ bị xã hội đào thải".
Nhất là sau tuổi 30, chúng ta cần phải định nghĩa lại công việc, thời gian và học tập để nửa chặng đường còn lại được trơn tru hơn mà không phải tiếc nuối điều gì.
1. Định nghĩa lại công việc
Có người từng nói với tôi rằng: "Cuộc đời con người có 3 chữ mệnh: tính mệnh, sinh mệnh và sứ mệnh".
Tại sao lại nói như vậy, xin kể một câu chuyện như sau:
Ba người cùng làm việc trong một công trường xây dựng. Có người đi qua hỏi họ đang làm gì?
Người thứ nhất cay đắng nói: "Không nhìn thấy sao? Tôi đang xây tường".
Người thứ hai nghiêm túc trả lời: "Tôi đang thi công một tòa nhà lớn".
Người thứ ba vui vẻ đáp: "Tôi đang xây dựng một thành phố mỹ lệ".
10 năm sau, người công nhân thứ nhất vẫn tiếp tục công việc xây tường. Người công nhân thứ hai trở thành người quản lý trong công trường xây dựng. Người công nhân thứ ba trở thành người lãnh đạo thành phố.
Câu chuyện ngắn này nói cho chúng ta biết rằng: cách nhìn nhận sự việc quyết định kết quả mà chúng ta nhận được.
Tính mệnh, sinh mệnh và sứ mệnh là 3 tầng cấp khác nhau, theo thứ tự từ thấp đến cao.
Tuy nhiên, đối với công việc, đại đa số chúng ta đều chỉ dừng là ở tầng cấp thứ nhất. Cho rằng công việc là chuyện sống còn liên quan tới tính mệnh. Nhất là trong thành phố bon chen, cuộc sống mưu sinh vốn đã khó, nói gì đến sứ mệnh.
Thứ hai là sinh mệnh, hầu hết mọi người đều theo đuổi tầng cấp thứ hai này. Nhưng bản chất của sự theo đuổi này vẫn là "có lợi cho chính mình". Giống như việc tôi kiếm được bao nhiêu tiền? Có được địa vị như thế nào? Và thông qua những thứ đó để nhận được sự tôn trọng từ phía người khác, khiến mọi người xung quanh ngưỡng mộ và coi trọng bạn.
Cuối cùng đó là sứ mệnh. Thực ra mỗi người trong số chúng ta ít nhiều cũng đều có "ý thức sứ mệnh". Đó là khi bạn làm một việc gì đó, ý nghĩa mà bạn đặt vào trong đó không liên quan gì đến giàu nghèo và địa vị.
Giống như bậc thầy sushi Nhật Bản Ono Jiro, cả đời ông chỉ kiên trì làm một việc đó là chế biến sushi truyền thống "Edomae". Trước khi Ono Jiro thành công và nổi tiếng, chắc hẳn nhiều người không thể hiểu "cả đời chỉ lặp đi lặp lại một việc duy nhất, liệu có ý nghĩa không".
Ono Jiro lại tin rằng, bất cứ công việc gì chúng ta cũng đều có thể tìm ra được ý nghĩa của nó. Ông nói: "Một khi bạn đã quyết định rõ ngành nghề của mình, bạn sẽ phải trau dồi kỹ năng cả đời. Đó chính là bí quyết của thành công và cũng là điểm mấu chốt quan trọng để người khác tôn trọng bạn".
Có thể thấy được rằng, ý thức sứ mệnh không hề là thứ gì đó vô cùng huyền ảo. Quan trọng là bạn có trao cho nó một ý nghĩa sâu xa nào đó không.
Friedrich Nietzsche đã từng nói rằng: "Ai đó nếu biết lý do vì sao họ sống thì họ có thể chịu đứng bất cứ kiểu cuộc sống nào".
Theo cách nhìn nhận của tôi, việc trao ý nghĩa cho một việc nào đó luôn quan trọng hơn việc hoàn thành nó.
Điều này giống như việc bạn lắp đặt một thiết bị GPS trong tâm trí của mình. Dù đường đi phía trước khó khăn trở ngại đến mức nào, bạn cuối cùng vẫn có thể tìm lại hướng đi lúc xuất phát.
Khi bạn định nghĩa kết quả của một việc nào đó chỉ là "phát tài và nổi tiếng", rất có khả năng bạn không thể kiên trì tới cùng. Bởi những khó khăn ngắn hạn trước mắt sẽ khiến bạn nghi ngờ.
Nhưng nếu như bạn có thể định nghĩa lại một việc nào đó, ví dụ coi việc viết lách là nhịp cầu ảnh hưởng giữa bạn và người khác, đồng thời thiết lập "một mục tiêu nho nhỏ" đó là cùng học cách tư duy độc lập với hàng trăm nghìn người khác. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có được một lời hứa dài hạn, nó giúp bạn bất chấp mọi khó khăn và thử thách.
Do vậy, khi bước sang tuổi 30, khi phải đưa ra rất nhiều sự lựa chọn, điều đầu tiên tôi thường quan tâm tới đó chính là "sứ mệnh". Giống như việc khi đối mặt với những người mới, tôi thường hỏi thêm một câu rằng: "Công việc này ngoài mục đích kiếm tiền, còn có ý nghĩa nào khác không?"
Max Weber cũng đã từng nói: "Con người là động vật duy nhất bị ý nghĩa điều khiển".
2. Định nghĩa lại thời gian
Nếu như việc định nghĩa lại ý nghĩa của một việc nào đó có thể giúp chúng ta phán đoán "thế nào là một việc đúng đắn". Vậy thì việc định nghĩa lại thời gian sẽ nói cho chúng ta biết "làm thế nào để làm việc một cách đúng đắn".
Tôi đã từng nói với rất nhiều người rằng: "Thời gian là nguồn tài nguyên khan hiếm duy nhất ở hiện tại của mỗi người".
Nhưng đáng tiếc là, đại đa số chúng ta đều là "tù nhân của thời gian". Nhiều người bình thường luôn mồm kêu "bận", nhưng thực chất là không chi phối được thời gian.
Ngược lại, tôi đã từng quan sát rất kỹ những người thành công. Họ không bao giờ nói họ bận đến mức nào. Thay vào đó họ sẽ nói: "Tôi có việc quan trọng cần phải làm".
Vậy sự khác biệt nằm ở đâu? Đó là việc làm thể nào để nắm được quyền chủ động về thời gian.
Tôi có cậu bạn làm việc tại thung lũng Silicon, theo như những gì mà cậu ấy nói, đại đa số các công ty mạng tại đây chỉ làm việc đến 18:00, sau 18:00 sẽ không còn ai có mặt tại công ty.
Có thể, sẽ có người nghi ngờ: "Liệu những công ty khởi nghiệp này có tiền đồ không?". Nhưng trên thực tế, thói quen làm việc "lười nhác" này không bao giờ ảnh hưởng tới sức sáng tạo của họ.
Sở dĩ các công ty mạng tại thung lũng Silicon thoải mái như vậy, về bản chất là do họ nắm được phương pháp làm việc đúng đắn đó là "chỉ có một việc quan trọng duy nhất".
80% nội dung công việc hàng ngày của đại đa số chúng ta đều không sản sinh giá trị. Ví dụ rất nhiều công ty thường xuyên mở cuộc họp nhưng lại không thể đưa ra được vấn đề bản chất của những mục tiêu cụ thể. Hay rất nhiều người thích xã giao, tiệc nọ tiệc kia chỉ vì những chuyện chẳng đâu vào đâu.
Trông có vẻ như đều đang rất cố gắng phấn đấu mỗi ngày nhưng trên thực tế chỉ là đang vật lộn với những con số đằng sau dấu phẩy.
Tôi từng đọc một cuốn sách có tên là "WHEN", cảm nhận trực quan của tôi sau khi đọc xong cuốn sách đó là "cái gọi là quản lý thời gian là một mệnh đề sai, thứ mà chúng ta thực sự cần phải quản lý đó là sự tập trung hay cũng chính là sinh lực".
Tôi phát hiện rất nhiều người khởi nghiệp xung tôi thường "lấy lớn làm vinh" chứ không phải "lấy nhỏ làm đẹp". Rất nhiều người khởi nghiệp trong tay chưa có gì đã thích phô trương. Tập hợp đội ngũ hơn chục con người ngồi trong phòng họp thảo luận ngày đêm. Hôm nay thì xây dựng tổ chức, ngày mai liên hoan ăn uống nhưng chẳng có sản phẩm nào ra hồn.
Trên thực tế, cái gọi là quản lý thời gian ở đây có thể lý giải thành ở giai đoạn nào sẽ làm công việc của giai đoạn đó.
Đối với đại đa số các công ty, gần như mỗi giai đoạn đều chỉ có một nhiệm vụ quan trọng. Nhất là trong giai đoạn đầu, ví dụ tìm được 100 khách hàng thực sự mua sản phẩm của bạn, vậy thì những thứ khác như quản lý, đội ngũ tập thể đều chỉ là phù du. Dù tìm được người hợp tác cùng nhưng vẫn có khả năng phản bội bạn. Do vậy, thời gian đối với mỗi người chúng ta mà nói đều là một trò chơi có tổng bằng 0.
Bạn bỏ thời gian vào sai người, sai việc đồng nghĩa với việc bạn mang thời gian của mình cho không đối thủ cạnh tranh. Kẻ thù nhìn thấy được không đáng sợ, đáng sợ nhất là kẻ địch giấu mặt ví dụ như thời gian.
Có người từng nói với tôi rằng: "kẻ thủ cuối cùng của chúng ta đó chính là ngủ". Mỗi ngày có 24 tiếng, ngoài công việc chỉ có 7, 8 tiếng để ngủ, nay lại trở thành chiến trường cạnh tranh của các trùm mạng lớn.
Hãy thử tưởng tượng, đi làm cả ngày vốn đã mệt, khó khăn lắm mới được ngả lưng xuống giường. Nào ngờ lỡ tay Facebook, Tiktok một lúc mà đến tận 3 giờ sáng. Hôm sau đi làm bằng cặp mắt gấu trúc, đầu óc mông lung thì lấy đâu ra hiệu quả công việc.
Tóm lại, thời gian là nguồn tài nguyên quý báu nhất của mỗi chúng ta. Bởi vậy tuyệt đối không được để nó trở thành chiến trận của người khác. Làm người có thể "nhàn rỗi" một cách có ý nghĩa, nhưng tuyệt đối không được "bận rộn" một cách vô nghĩa"
Hãy định nghĩa lại thời gian thuộc về bạn, bởi đó là tiền đề lớn nhất để mỗi người chúng ta có được sự tự do thật sự.
3. Định nghĩa lại học tập
Nhà đầu tư tài ba Charles Thomas Munger nói: "Những người thông minh mà tôi gặp trong cuộc đời này, không có ai là không đọc sách mỗi ngày".
Sau 30 tuổi, tôi luôn có suy nghĩ rằng: "Nếu như học tập là điều bắt buộc đối với mỗi người, vậy thì trong thời đại nâng cấp nhận thức như hiện nay, những người bình thường như chúng ta rốt cuộc phải học những gì?"
Sau đó, tôi tìm đọc cuốn sách "Nguyên tắc: Life & Work" của Ray Dalio và rút ra được một điều đó là học cách định nghĩa lại thường thức.
Thường thức ở đây là chỉ những kiến thức cơ bản mà đại đa số những người bình thường như chúng ta phải có. Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng: "Đã là những kiến thức mà ai cũng biết, tại sao lại phải bỏ thời gian ra để học?"
Lý do rất đơn giản, bởi trên thế giới này có một nửa những kiến thức cơ bản đang được định nghĩa lại mỗi ngày. Hay nói một cách khác, kiến thức cơ bản của ngày hôm nay đến từ những kinh nghiệm tổng kết của nhân loại quá khứ. Đáng tiếc là rất nhiều thứ trong đó đã không còn phù hợp với lô-gic của ngày mai".
Thời thế thay đổi, nếu như bạn vẫn tiếp tục ôm chặt lấy những kinh nghiệm quá khứ, vậy thì bạn chắc chắn sẽ bị những kiến thức cơ bản mới đánh bại.
Do vậy, khi nhắc đến học tập, có hai thứ đáng để chúng ta mang ra thảo luận: một là những kiến thức cơ bản mà đại đa số mọi người đều biết, hai là những kiến thức cơ bản mà chỉ có ít người biết.
Một là những kiến thức cơ bản mà rất nhiều người biết nhưng chưa chắc đã có nhiều người làm được.
Giống như việc chúng ta đều biết giá trị của sách, cũng hiểu rõ đạo lý "năng nhặt chặt bị". Thế nhưng rất nhiều người không thể kiên trì.
Giống như việc tôi thường xuyên nghe thấy có người kêu ca rằng: "Ôi cuốn sách này sao mà dày vậy, bài viết này sao mà dài vậy, đọc mất công sức quá…". Nghĩ kỹ lại rốt cuộc là do cuốn sách, bài văn đó khó đọc hay là do bạn quá nóng vội đây?
So với những việc mưa dầm thấm lâu như đọc sách, đại đa số mọi người vẫn thích làm những việc dễ đem lại cảm giác thỏa mãn nhất thời hơn ví dụ như lướt Facebook, xem Tiktok…
Rất nhiều người trong số chúng ta chỉ vì cái lợi trước mắt mà khiến bản thân bất giác rơi vào cạm bẫy của "hiệu ứng tầm nhìn hạn hẹp".
Giống như những người lạc lối sẽ ngày càng lạc lối không phải vì họ không có nguồn tài nguyên, không hiểu đạo lý. Mà là do họ tập trung toàn bộ sức lực vào việc lạc lối mà quên đi giá trị vốn có của sự nỗ lực và kiên trì.
Biết phải đi đôi với làm, biến những kiến thức cơ bản mà người bình thường đều biết thành hành động thực tế. Giống như tên ngốc "Quách Tĩnh" dưới ngòi bút của Kim Dung. Bản tính ngốc nghếch nhưng sau này vẫn được phong làm "đại hiệp". Lý do là bởi kiên trì và tuân theo một nguyên tắc cơ bản: "Người khác học một ngày, mình học mười ngày; Người khác làm một lần, mình làm mười lần".
Hai là những kiến thức cơ bản có thể được thực hiện nhưng lại rất khó mô tả.
Nếu bạn tỉ mỉ quan sát, bạn sẽ phát hiện ra rằng những người càng thành công càng thích nhắc đi nhắc lại một số những khái niệm trừu tượng.
Cái được gọi là khái niệm ở đây thực ra là sự quy nạp cảm tính của con người đối với một loại sự vật có cùng bản chất và quy luật.
Ví dụ như cụm từ "đổi mới", trên thị trường xuất hiện rất nhiều cái tên như: đổi mới lật đổ, đổi mới vi mô, đổi mới xuyên biên giới, đổi mới mở…
Nếu bạn trau chuốt kỹ những khái niệm này, bạn sẽ phát hiện ra một bản chất đó là: đổi mới mà chúng ta thường nói không phải là sáng tạo những thứ mà trên thế giới này chưa có, chưa tồn tại.
Giống như việc có người đánh giá Edison, ông chính xác phải là một thương nhân. Bởi ông là người phát minh bóng đèn trên cơ sở của nhà vật lý người Anh J.Swan. Do vậy, khi chúng quay đầu lại nhìn sự đổi mới, chúng ta sẽ nhận thấy bản chất của nó thực ra là một cuộc cách mạng tranh cướp tâm trí người dùng. Ý nghĩa của việc đổi mới là để khách hàng có được những trải nghiệm tốt hơn.
Khi bạn có được sự nhận thức cơ bản về một khái niệm nào đó, nó sẽ trở thành công cụ quyết sách có hiệu quả trong việc phán đoán mọi việc.
Trên thế giới này, có rất nhiều người tự cho rằng mình hiểu khái niệm mà người khác nói, nhưng thực chất lại không biết hàm ý thực sự sâu xa của nó là gì.
Khi một sự vật mới được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chúng ta buộc phải phân tích logic sâu xa phía sau nó, nếu không sẽ bị mất cơ hội trong sóng gió.
Học tập thực ra không có gì cao xa cả. Bản chất của việc học đó là không ngừng làm mới kiến thức cơ bản của mình. Thông qua "mưa dầm thấm lâu", "suy nghĩ sâu xa" để hình thành những nhận thức độc đáo của riêng bạn.
4. Tổng kết
Con người chúng ta 30 tuổi phải vững vàng để 40 tuổi không bị mê hoặc. Sau tuổi 30 chúng ta cần phải tự do về vai trò, tự do về thời gian và tự do về nhận thức.
Đầu tiên, tự do về vai trò.
Cuộc đời vốn là một trò chơi nhập vai, điểm khó nhất chính là xử lý các mối quan hệ giữa các vai trò khác nhau. Thị phi công tội ai là người đánh giá? Người quyết định luôn không phải là chính bạn mà là người khác. Nhưng vấn đề là, nếu như chúng ta luôn đánh giá bản thân bằng con mắt của người khác, liệu cuộc sống còn được hạnh phúc không?
Vậy là thế nào để đối mặt với tất cả mọi thi phi, nghi hoặc mà các vai trò mang lại một cách ung dung, tự tại? Tôi nghĩ là "hãy giống như nước".
Giống như những gì mà Lý Tiểu Long từng nói: "Empty your mind, be formless, shapeless, like water; and you put water into a cup, it becomes the cup; you put water in a bottle, It becomes the bottle; you put water in teapot It becomes the teapot.Water can flow or can crash. Be water,my friend".
Hãy làm trí óc của bạn trống rỗng, không hình, không dạng giống như nước, và rồi bạn đựng nước vào trong một cái ly, nước sẽ biến thành ly, bạn đựng nước vào trong một cái chai, nước sẽ thành chai, bạn đưng nước vào trong một cái tách pha trà, nó sẽ trở thành cái tách pha trà. Nước có thể có thể chảy thành dòng nhưng cũng có thể tan vỡ. Hãy là nước nhé, bạn của tôi.
Thứ hai là tự do về thời gian.
Tin rằng trên thế giới này không có ai tự do tuyệt đối về thời gian. Do vậy, tự do về thời gian ở đây chỉ là sự tự do ở mức độ tương đối. Tức là cố gắng bỏ thời gian vào những người và việc mà bạn cho rằng là quan trọng nhất.
Hãy thử tưởng tượng một chút, nếu ai đó sớm được tự do về tài chính nhưng thời gian lại không phải của chính mình. Hàng ngày đều phải vật lộn với những con người và sự việc mà bản thân không muốn đối mặt, tâm trạng chắc hẳn sẽ rất bất mãn.
Do vậy, thời gian đối với chúng ta mà nói đều có tính đàn hồi. Quan trọng là bạn có ý thức để đoạt lấy quyền kiểm soát chính về thời gian hay không.
Cuối cùng là tự do về nhận thức.
Mâu thuẫn giữa người và người luôn nảy sinh từ những nhận thức bất đồng. Nhận thức quyết định lựa chọn, lựa chọn quyết định số mệnh. Nhưng vấn đề là chúng ta rất dễ khóa mình và cố thủ trong những nhận thức đã có. Thậm chí sản sinh thành kiến, hoàn toàn cách biệt với người khác.
Do vậy, tự do về nhận thức là việc coi cuộc đời là một câu hỏi mở. Đừng bao giờ tự đưa ra cho mình một câu trả lời cố định. Bởi nó có thể sẽ trói buộc và hạn chế cách nhìn nhận của bạn về thế giới.
Đó những định nghĩa lại về công việc, thời gian và học tập sau tuổi 30. Đừng bao giờ quên rằng: "Tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, thời gian cuối cùng cũng sẽ trả lời cho bạn".
Trí Thức Trẻ