MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dễ vỡ Quỹ Bảo hiểm Y tế

Nhiều chiêu trò trục lợi Quỹ BHYT đã bị lật tẩy, như: chỉ định dịch vụ kỹ thuật y tế; kéo dài thời gian điều trị không cần thiết; sử dụng thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý...

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong ngày 31-8, cơ quan này sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng rà soát toàn bộ hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) và chi phí KCB 6 tháng đầu năm 2016; yêu cầu kiên quyết từ chối thanh toán chi phí không hợp lý, dừng thực hiện các hợp đồng KCB không hợp lý để chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Mất cân đối 2.152 tỉ đồng

Theo ông Sơn, thống kê từ các địa phương cho thấy chi phí KCB 6 tháng đầu năm là 30.732 tỉ đồng, tăng 8.545 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chi cho điều trị nội trú gia tăng đột biến (18.150 tỉ đồng, tăng 41%), chi cho điều trị ngoại trú là 11.932 tỉ đồng (tăng 38%), khu vực KCB đa tuyến đến nội tỉnh cũng tăng 50%.

Trong 6 tháng đầu năm, Quỹ BHYT cũng mất cân đối 2.152 tỉ đồng. Có 37 địa phương chi vượt mức được giao với tổng số tiền gần 3.404 tỉ đồng (tăng 22 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015, với số tiền bội chi tăng 2.897 tỉ đồng).

Toàn bộ các tỉnh, thành chi vượt quỹ BHYT năm 2015 tiếp tục vượt quỹ trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó có những địa phương trên 100 tỉ đồng. Đứng đầu là Thanh Hóa: 370 tỉ đồng, Nghệ An: 351 tỉ đồng, Quảng Nam: 238 tỉ đồng, Cà Mau: 221 tỉ đồng, Thái Bình: 213 tỉ đồng, Đà Nẵng: 167 tỉ đồng, Bắc Giang: 142 tỉ đồng, Phú Thọ: 125 tỉ đồng, An Giang: 116 tỉ đồng, Hải Dương: 115 tỉ đồng, Bình Định: 109 tỉ đồng, Quảng Ninh: 102 tỉ đồng... Một số tỉnh chưa bao giờ bội chi nay cũng xảy ra tình trạng này như: Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Trị, Tuyên Quang.

Trong khi số thẻ BHYT 6 tháng đầu năm chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015 và tổng số lượt KCB tăng 12% thì chi phí KCB ban đầu tăng 37,8% với trên 12.666 tỉ đồng.

Ông Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân bội chi, một phần là do tác động của tăng giá dịch vụ y tế và chính sách thông tuyến KCB. Với các hành vi trục lợi quỹ, khi phát hiện, cơ quan bảo hiểm sẽ kiên quyết từ chối thanh toán. Cơ quan bảo hiểm cũng tạm thời dừng hợp đồng thanh toán BHYT, chờ kết luận của cơ quan chức năng đối với những cơ sở thu gom bệnh nhân để KCB.

Nhiều chiêu trò trục lợi

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, qua kiểm tra, cơ quan bảo hiểm đã lật tẩy nhiều chiêu trò trục lợi Quỹ BHYT như chỉ định dịch vụ kỹ thuật y tế, sử dụng thuốc không phổ biến tạo thế độc quyền đẩy giá lên cao; kéo dài thời gian điều trị không cần thiết; sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý...

Tình trạng “vung tay quá trán” nguồn Quỹ BHYT ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ tới chiếc “phao cứu sinh” cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người mắc bệnh hiểm nghèo. Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc hạn chế lạm dụng kỹ thuật là rất quan trọng bởi cán bộ BHXH kiểm tra, thấy một dịch vụ được sử dụng quá nhiều nên cho rằng đã lạm dụng nhưng bệnh viện (BV) khăng khăng nói đó là cần thiết thì rất khó tranh cãi.

“Bộ Y tế phải chi tiết, cụ thể khi nào cần chụp X-quang, dấu hiệu chỉ điểm lâm sàng là gì, triệu chứng gì mới làm nội soi, siêu âm… Đó sẽ là các căn cứ để BHXH kiểm tra xem BV có lạm dụng kỹ thuật hay không” - ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, Bộ Y tế phải chủ trì xây dựng các “rào chắn”, cùng BHXH hạn chế việc lạm dụng Quỹ BHYT. BHXH cũng đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định BHYT. Hệ thống này đã liên thông toàn quốc nhưng đang chờ các cơ sở y tế nhập danh mục thuốc, kỹ thuật…

Trước đó, BHXH Việt Nam đã xuất toán gần 27 tỉ đồng thanh toán BHYT tại 4 tỉnh, gồm: Đồng Tháp (hơn 8,4 tỉ đồng), Quảng Nam (hơn 10,8 tỉ đồng), Bạc Liêu (hơn 6,8 tỉ đồng) và Thái Nguyên (hơn 800 triệu đồng).

Khẩn trương kiểm tra việc sử dụng Quỹ BHYT

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam khẩn trương thanh tra, kiểm tra việc sử dụng Quỹ BHYT, từ đó kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi; đồng thời sử dụng hiệu quả quỹ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hội đồng chuyên gia đánh giá, kiến nghị các giải pháp để sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.

Gần 73 triệu người tham gia BHYT

Ngày 30-8, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT 7 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ cuối năm 2016. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7-2016, hơn 12,4 triệu người đã tham gia BHXH bắt buộc, hơn 192.000 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 10,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gần 73 triệu người tham gia BHYT (đạt 79,2% dân số cả nước).

Cũng trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành bảo hiểm giải quyết chế độ BHXH cho hơn 5 triệu lượt người (tăng 15,7% so cùng kỳ năm 2015), thanh toán chi phí KCB cho gần 78 triệu lượt người (tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2015).

C.Nguyên

Theo Ngọc Dung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên