MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất bỏ lương tối thiểu: Thứ trưởng bộ LĐ,TB&XH nói gì?

Tại hội thảo về lương vừa diễn ra, có ý kiến cho rằng không nên coi lương tối thiểu là chính sách xã hội, bởi có tăng lương tối thiểu gấp đôi hiện nay thì người dân vẫn không đủ sống. Ý kiến này cũng đề xuất nên nghiên cứu bỏ hình thức tính lương này để xây dựng mức lương thỏa thuận. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) để làm rõ vấn đề trên.

Năng suất lao động chỉ là một yếu tố

Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết quan điểm của bộ LĐ,TB&XH trước đề xuất của một nhóm chuyên gia kinh tế về việc nên bỏ lương tối thiểu vì nó đang tăng nhanh hơn năng suất lao động?

Lương tối thiểu là tiền lương được thương lượng, thỏa thuận nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động hoạt động trong điều kiện bình thường, công việc đơn giản nhất chứ không phải tiền lương dành cho toàn bộ lực lượng lao động. Theo quy ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tiền lương tối thiểu phải xác định bằng nhiều yếu tố: Có tính đến nhu cầu sống của người lao động, năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp, chỉ số giá sinh hoạt, năng lực của nền kinh tế... Như vậy, năng suất lao động chỉ là một yếu tố phải tính đến khi xem xét tính hợp lý của lương tối thiểu.


Thứ trưởng bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp.

Thứ trưởng bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp.

Nói cách khác, khi so sánh tốc độ tăng giữa năng suất lao động và tiền lương thì người ta so với mức tăng của tiền lương trung bình trả cho mọi người lao động chứ không phải so với lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu của nhóm lao động đơn giản nhất. Còn chi phí lao động của xã hội phải tính trên tiền lương trung bình của toàn xã hội. Khi năng suất lao động tăng cao hơn so với mức lương trung bình của toàn xã hội thì điều đó mới là điều phải quan tâm.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng lương tối thiểu không hiệu quả nếu được xem là một chính sách bảo trợ xã hội, vì nó chưa áp dụng với người lao động không có hợp đồng và không thể hiện vai trò bảo vệ nhóm người này. Quan điểm của ông ra sao?

Theo quy định của ILO, tiền lương tối thiểu được xây dựng dựa trên thỏa thuận của giới sử dụng lao động và đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, có sự tham gia của Chính phủ. Điều này thể hiện ở Công ước 131 của ILO và quy luật của thị trường lao động. Những người nào không nằm trong quan hệ lao động, ví dụ tự làm việc, làm việc gia đình không nhận lương... thì lương tối thiểu không được áp dụng. Cho nên ý kiến cho rằng tiền lương tối thiểu thất bại vì không phủ được đến nhóm đối tượng trên tôi nghĩ là chưa bộc lộ hết bản chất vấn đề.

ILO vẫn khẳng định lương tối thiểu là công cụ đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng để những người có mức lương cao hơn, năng suất lao động cao hơn chia sẻ với nhóm người có năng suất lao động và mức lương thấp hơn trong xã hội.

Như vậy, ông không ủng hộ việc bỏ lương tối thiểu?

Tôi không bình luận về chuyện bỏ hay không. Tôi chỉ viện dẫn, một cuốn sách của ILO xuất bản cách đây 2 năm có câu: Tiền lương tối thiểu như một công cụ để đảm bảo an sinh xã hội, lo cho số lao động làm việc bình thường nhất, có kỹ năng bình thường nhất ở mức tối thiểu. Còn thang bảng lương là câu chuyện giới chủ đàm phán với công đoàn. Hiện nay, trên thế giới vẫn có hơn 100 nước áp dụng cơ chế thỏa thuận lương tối thiểu và hằng năm cứ vào tháng Ba, ở Nhật ở Hàn Quốc vẫn có các cuộc đàm phán thảo luận để điều chỉnh lương tối thiểu. Tôi cho rằng nhóm chuyên gia kinh tế này không phải nhóm chuyên gia về lao động tiền lương, về thị trường lao động cho nên đã không hiểu đúng bản chất của lương tối thiểu.

Tốc độ tăng sẽ chậm lại

Vậy về tốc độ tăng của lương tối thiểu trong những năm qua, ông có bình luận gì?

Trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, tiền lương có thể chưa trả đúng, trả đủ so với cống hiến của người lao động nên giai đoạn này tốc độ phải tăng nhanh để bù cho kịp cống hiến và đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Đó là điều bình thường. Một vài năm trở lại đây khi lương tối thiểu này đã đảm bảo cơ bản mức sống tối thiểu thì sẽ có lộ trình giảm dần, tốc độ tăng sẽ phải chậm lại. Bắt đầu từ năm ngoái chỉ còn tăng 7,3%, năm nay chỉ tăng 6,5%. Nghĩa là trước đây mức tăng lương tối thiểu tính nhiều hơn đến yếu tố nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, còn bây giờ phải hài hòa hơn giữa mức sống tối thiểu của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, tốc độ tăng của năng suất lao động...


Nhiều chuyên gia đề xuất bỏ lương tối thiểu. (Ảnh minh hoạ).

Nhiều chuyên gia đề xuất bỏ lương tối thiểu. (Ảnh minh hoạ).

Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than rằng lương tối thiểu tăng quá nhanh tạo áp lực cạnh tranh cho họ và khiến dòng vốn đầu tư chảy sang các quốc gia có mức lương tối thiểu thấp hơn, thưa ông?

Về quan điểm tiền lương tối thiểu của Việt Nam cao hơn một số quốc gia khác và lo ngại rằng các doanh nghiệp đầu tư sẽ sang các nước khác đầu tư thì tôi xin dẫn chứng câu chuyện thế này. Ngày 3/9 tại Singapore, tôi đã gặp gỡ ông Bộ trưởng bộ Nhân lực của Indonesia, ông ấy cũng nói về vấn đề tiền lương và chia sẻ rằng, các nhà đầu tư tại Indonesia cũng nói với Chính phủ nước này là tiền lương của Việt Nam đang thấp hơn nên họ sẽ chạy sang đầu tư ở Việt Nam. Tôi nói với ông ấy là hiện chúng tôi cũng bị coi là có mức lương tối thiểu cao hơn một số nước và dòng vốn sẽ chạy sang các quốc gia như Myanmar, Indonesia... Kết quả là tôi và ông ấy cùng thống nhất rằng hai bên sẽ có những tham vấn, trao đổi để làm rõ thêm vấn đề này.

Thưa ông, đến bây giờ vẫn có ý kiến cho rằng mặc dù đã hết sức nỗ lực với lộ trình tăng nhanh, tăng liên tục nhưng đến nay lương tối thiểu của Việt Nam vẫn chưa phản ánh được mức sống tối thiểu của người lao động. Ông nói sao về điều này?

Câu chuyện lương tối thiểu đuổi theo mức sống tối thiểu là câu chuyện không chỉ ở Việt Nam mà phổ biến trên thế giới. Tại cuộc họp Hội đồng tiền lương quốc gia năm nay, tôi đã trình bày một bản đồ chỉ ra rằng các quốc gia đều phải giải quyết vấn đề này. Trên thực tế, hầu như chưa có quốc gia nào lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu, do đó đây vẫn là cái đích phấn đấu của mọi quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Minh Minh

Người đưa tin

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên