MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất bỏ trần giá vé máy bay: Lo doanh nghiệp tùy tiện tăng giá

Đề xuất bỏ trần giá vé máy bay: Lo doanh nghiệp tùy tiện tăng giá

Cục Hàng không (Bộ GTVT) vừa có đề xuất bỏ quy định giá trần vé máy bay với đường bay nội địa có từ 3 doanh nghiệp (DN) hàng không cùng khai thác trở lên. Tuy nhiên, ý kiến này lập tức làm "dấy" lên lo ngại các hãng “bắt tay” tăng giá bất hợp lý và trái Luật Cạnh tranh.

Tại dự thảo báo cáo Tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không đề xuất với Bộ GTVT sửa một số điều của luật này, trong đó có bỏ giá trần vé máy bay nội địa. Cụ thể, cơ quan này đề xuất Nhà nước chỉ định giá trần với đường bay có 1-2 hãng khai thác; với đường bay có từ 3 DN khai thác trở lên, các hãng được tự định giá vé.

Nếu đề xuất của Cục Hàng không được thông qua, các đường bay vào giờ thuận lợikhách có nhu cầu cao hiện nay, như trên trục Hà Nội - Đà Nẵng - TPHCM - Phú Quốc, hiện có 4, 5 hãng khai thác, các hãng sẽ được tăng giá theo ý muốn. Đặc biệt, mỗi dịp cao điểm như lễ, tết không loại trừ người dân sẽ phải mua vé máy bay với giá cao bất hợp lý. Hiện mức kê khai giá tối đa của hãng hàng không bằng từ 76-79% so với mức giá trần Bộ GTVT quy định.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Nhà nước quản lý và định giá trần khi có DN chiếm thị phần thống lĩnh, không phải theo số lượng DN tham gia như đề xuất của Cục Hàng không. Khi có DN chiếm thị phần thống lĩnh sẽ có nguy cơ DN tăng giá bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do đó, Luật Cạnh tranh nêu rõ, DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường khi: Một DN chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai DN chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba DN chiếm tổng thị phần từ 65% trở lên; bốn DN chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên; năm DN có tổng thị phần từ 85% trở lên…

Ông Long dẫn trường hợp thị trường xăng dầu, dù có 38 DN bán lẻ nhưng Petrolimex và PVOil chiếm tổng thị phần trên 70% nên Nhà nước định giá trần. “Đề xuất thả nổi giá vé máy bay căn cứ theo số lượng DN tham gia của Cục Hàng không trái Luật Cạnh tranh. Nếu tính tổng thị trường hàng không nội địa, hay một số đường bay trọng điểm, Vietnam Airlines và Vietjet đều chiếm quá nửa, nhà nước vẫn phải định giá trần để ngăn DN bắt tay nhau tăng giá vé”, ông Long nói.

TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) nêu quan điểm, vẫn cần giá tối đa với vé máy bay nội địa. Vào dịp cao điểm, như Tết Nguyên đán, thậm chí “cháy vé” máy bay. Còn vé máy bay giá rẻ hay chương trình khuyến mại hầu hết chỉ xuất hiện trong mùa thấp điểm, không áp dụng vào ngày lễ, tết. Do đó, Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh đều quy định Nhà nước định giá trần khi có DN độc quyền hoặc chiếm thị phần thống lĩnh, như giá điện, xăng dầu…

Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay với đường bay có từ 3 DN tham gia trở lên, theo ông Thỏa là không hợp lý, trái Luật Cạnh tranh. Trường hợp có 3 DN khai thác 1 đường bay, ít nhất có 1 DN chiếm thị phần trên 30%, nếu chia đều cả 3 DN thì mỗi hãng vẫn chiếm trên 30% thị phần, theo Luật Cạnh tranh, Nhà nước phải định giá trần.

Hiện tại, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được Bộ GTVT ban hành và áp dụng ổn định từ năm 2015 tới nay. Cụ thể, với đường bay dưới 500km phát triển kinh tế - xã hội (được hỗ trợ giá), giá vé tối đa 1,6 triệu đồng/vé/chiều; đường bay khác dưới 500km (không được trợ giá) tối đa 1,7 triệu đồng/vé; đường bay từ 500 đến 850km tối đa 2,2 triệu đồng/vé; đường bay 850 – 1.000km tối đa 2,79 triệu đồng/vé; đường bay 1.000 - 1.280 km tối đa 3,2 triệu đồng/vé; đường bay 1.280 km trở lên tối đa 3,75 triệu đồng/vé. Giá vé trên chưa bao gồm thuế, các khoản thu hộ, phí và các hạng mục tăng thêm.

Đẩy giá sang phí

Trong các yếu tố cấu thành chi phí cho một chuyến bay mà khách phải trả, ngoài thuế và phí sân bay các hãng thu hộ, khách phải trả cho hãng tiền vé và phụ phí (phụ phí quản trị hệ thống, phí tiện ích thanh toán). Khảo sát trên trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không đều cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá vé máy bay hiện chỉ từ 100 đến 300 nghìn đồng/chiều, hoặc vé khuyến mại dưới 100 nghìn đồng/chiều, thậm chí 0 đồng. Tuy nhiên, phụ phí quản trị hệ thống, phí tiện ích thanh toán lên tới 400-500 nghìn đồng/vé/chiều (tuỳ hãng, chưa tính thuế).

Để bù giá vé giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, người dân ít đi lại, mới đây các hãng hàng không tiếp tục tăng phí quản lý hệ thống. Theo giải thích của các hãng, phí quản trị hệ thống để trả cho việc duy trì các hệ thống quản trị dữ liệu hành trình của hành khách. Khoản phụ thu quản trị hệ thống của Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) tăng từ ngày 9/5, lên mức 450.000 đồng/vé/chặng (tăng 100.000 đồng so với trước, đã gồm thuế VAT). Bamboo Airways tăng khoản phí trên từ ngày 10/5, lên 410.000 đồng/chặng (tăng 90.000 đồng so với trước, chưa VAT). Mức phí trên của Vietjet Air đang áp dụng là 250.000 đồng/chặng (chưa VAT).

Ngoài các khoản trên, hiện tại, các DN hàng không đang thu hộ DN quản lý khai thác 2 khoản phí, gồm: phí an ninh và phí sân bay quốc nội, tổng 2 khoản phí này từ 100 đến 120 nghìn đồng/khách (tuỳ từng sân bay). Lâu nay, các hãng thu hộ 2 khoản phí sân bay, DN khai thác sân bay chỉ nhận được khi khách sử dụng (được tính khi qua cửa kiểm tra an ninh) nhưng khi khách huỷ vé, bỏ chuyến, các hãng cũng không trả lại cho khách. Theo các hãng lý giải, việc không trả lại do khách không yêu cầu.

Trước thực tế trên, ngày 13/5, Cục Hàng không đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không hoàn trả tiền phí an ninh và phí sân bay quốc nội cho hành khách huỷ vé, bỏ chuyến.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên