Đề xuất cấm bán rượu bia trong quán karaoke: Nếu khách mang vào và uống say xỉn thì sao?
Tại tọa đàm “Về đề xuất xây dựng dự án luật Phòng chống tác hại của rượu, bia” diễn ra sáng 09/5, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng, đề xuất của Bộ Y tế là cấm bán rượu bia trong quán karaoke nhưng khách có thể tự đem theo bia rượu vào quán để uống và say xỉn.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng những vụ ngộ độc rượu, bia diễn ra trong thời gian qua thể hiện sự thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng trong nước. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành 85 văn bản liên quan tới quản lý rượu, bia. Do đó, không thể coi ngành này chưa được chú ý đúng mức. Việc các vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra có nguyên nhân từ số rượu, bia không rõ nguồn gốc được pha chế thêm cồn công nghiệp, lưu hành trôi nổi trên thị trường.
Hai đối tượng cần kiểm soát chặt là cơ sở sản xuất rượu trong nước và các đầu mối buôn lậu. Theo ông Trương Minh Hoàng, chất lượng rượu nấu trong nước cần phải được kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào trước. Đồng thời với đó, các cơ quan chức năng cần xóa bỏ những đường dây buôn lậu rượu, bia.
Đối với đề xuất cấm bán rượu, bia trong quán karaoke, ông Hoàng cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Bởi lẽ khách có thể tự đem theo rượu, bia vào quán để uống và say xỉn. Hơn nữa, việc này sẽ khiến hoạt động kinh doanh của loại hình karaoke bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông Trương Minh Hoàng vẫn khẳng định: “Phải tăng cường kiểm soát rượu, bia".
Ông Nguyễn Văn Việt: "Việc giảm nguồn cung sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh và cơ hội để hàng lậu, giả trà vào tác động tới nền kinh tế”
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng nếu đi vào thực tiễn, quy định không chỉ khiến doanh nghiệp sản xuất rượu, bia gặp khó khăn mà sẽ tạo khoảng trống trên thị trường để những sản phẩm từ nước ngoài xâm nhập.
“Việt Nam mới ở mức trên 4 lít cồn tuyệt đối/người, đứng thứ 94/194 nước trên toàn cầu - tức đang ở mức thấp. Việc giảm nguồn cung sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh và cơ hội để hàng lậu, giả trà vào tác động tới nền kinh tế” – ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ.
Nên đặt tên khác cho dự luật
TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam cho rằng nên dùng cụm từ “Luật kiểm soát rượu, bia và đồ uống có cồn” thay cho tên gọi hiện tại. Bởi lẽ, đồ uống có cồn chỉ gây hại khi người sử dụng lạm dụng. Nếu sử dụng điều độ với lượng nhỏ còn có tác động tốt tới sức khỏe.
Theo bà Kim, khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới chỉ ra rằng phương pháp hiệu quả để hạn chế việc lạm dụng rượu, bia của người dân là đưa ra mức giới hạn sử dụng tối đa.
“Hiện nay, các nước đưa ra giới hạn sử dụng tối đa bao nhiêu rượu bia là chấp nhận được: Úc đưa ra mức 2-4 cốc/ngày; Nhật Bản: 2-4 cốc/ngày; Hà Lan: 4 cốc bia/ngày; Newzeland: 4-6 cốc/ngày; Thủy Điển 4 cốc/ngày; Mỹ: 3 cốc/ngày (đối với nữ), 4 cốc bia/ngày (đối với nam)” – TS Phan Thị Kim cho biết.
Ông Trương Minh Hoàng: “Phải tăng cường kiểm soát rượu, bia”.
Đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết ông đã có lần kiến nghị về viêc kiểm soát nước uống có cồn, gas cách đây vài năm. Tuy nhiên, sự chuẩn bị vào thời điểm đó là chưa đầy đủ. Nếu dự luật do Bộ Y Tế đề xuất không sớm được chấp nhận, Quốc hội sẽ sẽ thêm một chương về kiểm soát rượu, bia vào Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) sắp tới.
“Nếu không ban hành được dự thảo luật để kiểm soát quá trình sử dụng rượu, bia, nước có gas, thì trong việc sửa đổi Luật an toàn thực phẩm sắp tới, sẽ xây dựng một chương về tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn, có gas. Tôi nghĩ nó sẽ khả thi. Khi thực hiện đồng thời với Luật an toàn thực phẩm thì sẽ là một trong những giải pháp hài hòa giữa phát triển và sử dụng đồ uống có cồn, gas” – ông Trương Minh Hoàng nói.