Đề xuất chi 4.500 tỷ đồng làm 12 dự án thủy lợi vùng ven TP.HCM để chống ngập úng
Đây là đề xuất của Sở NN&PTNT TP.HCM vừa trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, đơn vị này kiến nghị chi 4.500 tỷ đồng để hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi vùng ven, chống ngập úng, triều cường…
- 20-08-2021Những lĩnh vực Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ khi cổ phần hoá
- 20-08-202125 công trình đường bộ trọng điểm được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030
- 20-08-2021Khát lao động giữa tâm dịch
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, trong 12 dự án thủy lợi thuộc các quận, huyện là Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12 và huyện Củ Chi thì có đến 7 dự án ưu tiên số 1 với số vốn khoảng 2.600 tỷ đồng; 5 dự án ưu tiên số 2 với số vốn khoảng 1.900 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với các dự án ưu tiên số 1 gồm: Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi (giai đoạn 2) có nguồn vốn lớn nhất là 1.100 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông kết nối khu vực nội đồng, hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Dự án xây dựng 4 cống Cây Xanh, Đá Hàn, Bà Bếp, Rạch Dứa với được đầu tư với kinh phí 450 triệu đồng, bổ sung vào quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố; tăng khả năng điều tiết cấp nước trong mùa khô, phòng lũ, triều cường phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.600ha (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi).
12 dự án thủy lợi góp phần kiểm soát triều cường, phòng chống thiên tai... trên địa bàn thành phố. Ảnh: Quốc Chiến/NLĐ
Ngoài ra, còn có các dự án được bổ sung vào phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đến năm 2030 - 2045 như nạo vét khơi thông dòng chảy sông Lu (đoạn từ cống Lu 1 đến cống sông sông Lu 2, huyện Củ Chi); xây dựng tuyến đê bao Rạch Tra từ cầu Xáng TL15 đến QL22 (huyện Hóc Môn, Củ Chi).
Đối với các dự án ưu tiên số 2 bao gồm: Dự án xây dựng cống kiểm soát triều Rạch Tra (huyện Hóc Môn, Củ Chi) quy hoạch chống ngập từ năm 2008, xây dựng và kè bảo vệ bờ thượng hạ lưu cống với kinh phí 1.200 tỷ đồng. Công trình góp phần tăng khả năng tiêu thoát nước chống ngập và cấp nước cho khu vực, tham gia trữ lũ và chậm lũ sông Sài Gòn khi hồ Dầu Tiếng xả lũ, đảm bảo giao thông thủy nội địa khu vực.
Cũng theo Sở này, hiện nay trên kênh tiêu khu công nghiệp Tân Quy (từ TL8 đến rạch Bà Bếp, huyện Củ Chi) bị bồi lắng, cây cỏ nhiều... nên cũng cần được nâng cấp và mở rộng. Trên địa bàn quận 12 có dự án xây dựng cống rạch Cầu Võng, dự kiến bề rộng khoảng 30m thuộc bờ hữu sông Sài Gòn phía Nam rạch Tra cũng cần thiết được ưu tiên đầu tư.
Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM có 192 công trình, dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó 144 công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Đến nay, thành phố đã triển khai thực hiện hoàn thành 45 công trình và đang triển khai các thủ tục đầu tư 147 công trình.
Hiện, một số dự án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng ngăn triều cường, mưa lũ, chống ngập úng như công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam - Bắc Rạch Tra), dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án 5 cống ngăn triều (TP. Thủ Đức), dự án cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè…
“12 dự án trên góp phần kiểm soát triều cường, phòng chống thiên tai, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, khép kín hệ thống thủy lợi kết nối đồng bộ với các dự án đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”, Sở NN&PTNT thông tin.
Theo Nhà đầu tư