Đề xuất chi ngân sách 11 tỉ đồng sửa đường sạt trượt do lỗi... con người!
Nguyên nhân xảy ra sạt trượt đoạn đường được kết luận là do thiếu sót của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nhưng lại đề xuất phương án chi 11 tỉ đồng ngân sách để sửa chữa!
- 09-09-2024Quảng Ninh muốn nhường 100 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi cho các tỉnh miền núi phía Bắc
- 09-09-2024Thủ tướng đi thị sát, động viên người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 tại Quảng Ninh
- 09-09-2024Một tỉnh miền Bắc xin nhường 100 tỷ đồng được hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão cho các địa phương đang gặp khó khăn
Ngày 9-9, một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk cho biết sau khi UBND tỉnh cho chủ trương, hiện Sở Tài chính đang tìm nguồn kinh phí để sửa chữa đoạn đường sạt trượt trên Tỉnh lộ 7.
Sai sót hệ thống
Dự án cải tạo, nâng cấp và kéo dài tuyến tỉnh lộ 7 được HĐND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2018. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 70 tỉ đồng, được khởi công tháng 11-2019, nghiệm thu hoàn thành ngày 14-12-2021.
Tuy nhiên, khi vừa hết bảo hành ít tháng, đầu tháng 10-2023, nền, mặt đường, mái ta-luy âm phạm vi Km17+540 - Km17+875 (đoạn qua địa bàn xã Buôn Triết, huyện Lắk) xuất hiện vết nứt lớn, sạt lở. Tại khu vực Km17+540 có vết sụt lún dài 47m, rộng 40 - 90cm, có đoạn lệch sâu xuống khỏi mặt đường cũ hơn 1m...
Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, kết quả kiểm định của Công ty cổ phần tư vấn Kiểm định và Phát triển khoa học công nghệ miền Nam nhận định nguyên nhân khách quan dẫn đến hư hỏng công trình do nền đường bị thấm, đọng nước lâu ngày gây suy giảm cường độ đất nền.
Về nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế không thực hiện khảo sát địa chất, thủy văn nền đường cũ là có thiếu sót, chưa phù hợp theo tiêu chuẩn ngành. Từ đó, chưa đánh giá được hết những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến công trình (nền đất yếu, dòng thấm từ ta-luy dương và nước dềnh do mưa lũ thấm vào nền đường, làm suy giảm cường độ...).
Bên cạnh đó, quá trình thi công, chủ đầu tư nhận thấy có nguy cơ sạt lở nên đã tổ chức xử lý kỹ thuật điều chỉnh thiết kế, bổ sung gia cố mái ta-luy tại Km17+875 nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt. Quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án không khảo sát, đánh giá, xử lý được hết những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến công trình là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt lún hư hỏng công trình.
Đáng chú ý, quá trình kiểm tra hiện trường và thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, Sở GTVT đã có ý kiến đối với việc bổ sung khảo sát địa chất, thủy văn để có cơ sở đánh giá ổn định công trình.
Tuy nhiên, Ban A gửi tờ trình không bổ sung khảo sát địa chất, thủy văn theo ý kiến của Sở. Đồng thời Ban A khẳng định: "Mực nước ngầm nằm sâu, tính chất lý hóa của nước ngầm không ảnh hưởng tới nền móng công trình và các công trình ngầm". "Nước mặt: công trình chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước mặt, chủ yếu là nước mưa tập trung theo địa hình", "Đoạn Km11+978 -:- Km21+221,93 qua kiểm tra về địa chất hiện tại mặt đường cũ còn rất tốt...".
Từ khẳng định của chủ đầu tư, Sở GTVT "tin tưởng" và không yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tài liệu chứng minh, làm rõ.
Chi ngân sách sửa chữa?
Theo báo cáo của Sở GTVT, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc chưa báo cáo đầy đủ cho chủ đầu tư về những vấn đề chưa phù hợp với thực tế thi công là chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của đơn vị giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Việc Sở GTVT căn cứ nội dung khẳng định của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế để thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công mà không yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tài liệu chứng minh, làm rõ là có phần thiếu chặt chẽ. Sở GTVT nhận khuyết điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với vấn đề trên.
Mới đây, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã ký văn bản thống nhất giải pháp xử lý, khắc phục hư hỏng Tỉnh lộ 7 theo phương án kỹ thuật được Sở GTVT đề xuất. Theo đó, báo cáo của Sở GTVT đưa ra các phương án sửa chữa và đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí hơn 11 tỉ đồng để khắc phục.
Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Ban A tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các thiếu sót mang tính chủ quan, báo cáo kết quả về Sở GTVT để tổng hợp, giải quyết theo quy định. Yêu cầu Sở GTVT nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm định hồ sơ thiết kế.
Một lãnh đạo Sở GTVT cho biết hiện vẫn chưa nhận được báo cáo kiểm điểm trách nhiệm của Ban A nên Sở đang dự kiến làm văn bản đốc thúc.
Người lao động