Trước mục tiêu “hóa rồng” 2045 của Việt Nam, sự tham gia khu vực tư nhân trong các dự án hạ tầng quan trọng ra sao?
Trong bối cảnh cần nhiều nguồn lực cho những mục tiêu phát triển đầy thách thức, thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân là một giải pháp quan trọng để giảm áp lực cho khu vực Nhà nước, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng sống của người dân.
- 17-08-2024Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công (*): Huy động nguồn vốn tư nhân
- 16-08-2024PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích lý do nhiều ngân hàng, công ty bất động sản đóng góp ngân sách lớn và điều đáng lo của khu vực tư nhân hiện nay
- 26-07-2024Nghị quyết mở đường cho doanh nghiệp tư nhân
Kinh tế Việt Nam kể từ công cuộc Đổi mới (1986) đã chứng kiến cuộc lột xác mạnh mẽ, từ một quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp, với mức thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 95 USD, theo World Bank, năm 2023, con số này đã lên đến 4.180 USD, chính thức bước vào nhóm trung bình cao. 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, khác hẳn với hình ảnh nền kinh tế đóng cửa, khép kín trước năm 1986.
Viết tiếp chặng đường phát triển, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (25/1-1/2/2021) đã đề ra những mục tiêu tham vọng hơn, theo đó, vào năm 2045, Việt Nam sẽ “hóa rồng” trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Mặt khác, Việt Nam đồng thời cùng với 147 quốc gia tại Hội nghị COP26 cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NETZERO) vào năm 2050.
Đứng trước nhiều mục tiêu cao, Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, với cơ cấu dân số trẻ, có trình độ. Thêm vào đó, vị trí địa lý thuận lợi và nỗ lực ngoại giao kinh tế tạo nên nhiều cơ hội lớn, nhiều “đại bàng” chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư, hợp tác.
Tuy nhiên, để chuyển đổi các cơ hội đến từ cả trong và ngoài nước thành lợi ích cho Việt Nam, theo GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, Giám đốc điều hành EMLV Business School (Paris, Pháp), yếu tố số một chính là hạ tầng cơ sở, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
“Trước mắt, cần xây dựng hạ tầng cứng để kết nối cầu cảng, bến bãi, đường xá, giải quyết các vấn đề về di chuyển, cung ứng điện, nước… Đây là những nhu cầu thiết yếu cho các tập đoàn lớn đưa cơ sở sản xuất về”, GS. Nguyễn Đức Khương chia sẻ và cho rằng dù nhiều biên bản ghi nhớ về đầu tư được ký kết, song nếu điều kiện thực tế, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, sẽ tạo ra khó khăn, nhà đầu tư vẫn có thể chần chừ trong việc ra quyết định.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI trong nhiều năm đã chỉ ra, chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn chưa phải là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư, dù đã có cải thiện trong các năm gần đây.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn là thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển kinh tế - xã hội , nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dưới hình thức hợp tác công tư (PPP). Điều này rất có ý nghĩa với các nước đang phát triển, khi PPP hỗ trợ những khoản đầu tư cần cấp vốn mà không làm gia tăng nợ công, nhờ đó đẩy mạnh các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư hạ tầng trong điều kiện cần huy động nguồn vốn, nguồn lực của xã hội.
Hợp tác giữa khu vực công và tư có thể phát huy được thế mạnh đôi bên, khu vực tư nhân có thể phát huy những kinh nghiệm, kỹ năng, công nghệ hiện đại và năng lực quản lý. Ngoài ra, sự tham gia của khu vực tư nhân được xem là một trong những phương thức hiệu quả để triển khai các hoạt động phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thời gian qua, khu vực tư nhân tại Việt Nam đã đóng góp nguồn lực rất lớn vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam. Nhiều dự án hạ tầng giao thông đầu tư mới đã minh chứng được tính hiệu quả của phương thức PPP, đặc biệt là đường cao tốc, hầm đường bộ, giúp người dân có lựa chọn tốt hơn khi lưu thông và góp phần kích hoạt kinh tế địa phương.
Một số đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Nghi Sơn - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo… thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, hàng loạt hầm lớn chạy dọc miền Trung, như hầm Cổ Mã ra Đèo Cả, Cù Mông và hầm Hải Vân 2 nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng…; Cảng cạn ICD Vĩnh Phúc hay Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là những dự án điển hình đã có sự đầu tư của khối kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt quyết định chấp thuận chủ trương và nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước và khu vực tư nhân cũng có đóng góp lớn trong việc xây dựng hạ tầng khu công nghiệp này.
Song, vẫn còn đó những vướng mắc về thể chế, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện khiến việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân chưa được khởi sắc trong một số lĩnh vực. Điển hình, một trong số những lĩnh vực rất khó thu hút đầu tư tư nhân là hàng không. Có ý kiến chuyên gia hàng không cho rằng việc tư nhân đầu tư hàng không như “chưa có đường đi”, tức nhà đầu tư chưa biết rõ về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đường đi để thực hiện các đề án xã hội hóa. Một dự án cảng hàng không thời gian hoàn vốn có thể lên đến hơn 40 năm, ngay cả các sân bay ACV đang vận hành cũng chỉ có 6 sân bay có lãi, còn 16 sân bay còn lại thì đang trong cảnh thua lỗ.
Sau 10 năm bàn về xã hội hóa hàng không, Việt Nam mới chỉ có 2 dự án theo hình thức PPP là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng hàng không Quảng Trị. Việc T&T Group đầu tư sân bay Quảng Trị là tín hiệu đáng mừng, bởi trước Quảng Trị, sau hơn 5 năm sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tư PPP đầu tiên - được đưa vào khai thác, vẫn chưa có thêm bất kỳ sân bay nào được triển khai đầu tư thành công theo phương thức PPP. Sân bay Sa Pa, mặc dù đã được động thổ cách đây hơn 2 năm, sau 2 lần mời thầu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không có nhà đầu tư nào tham dự. Phía địa phương giải trình cho rằng việc đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài, khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.
Mặc dù đầu tư vào hạ tầng vẫn là “cánh cửa hẹp" với các nhà đầu tư tư nhân, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn nhà đầu tư quan tâm và quyết tâm thực hiện.
“Đầu tư vào hạ tầng vẫn còn là một bài toán khó đối với các nhà đầu tư tư nhân, vì thực tế đang cho thấy còn rất nhiều các vấn đề cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, cùng với sân bay Quảng Trị và một loạt các dự án hạ tầng khác mà chúng tôi đang xúc tiến và quan tâm đầu tư, Tập đoàn T&T Group vẫn luôn thể hiện sự quyết tâm khi được giao thực hiện các dự án và mong muốn cùng với Chính phủ, các địa phương tìm ra con đường để thực hiện các dự án này tốt nhất”, ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược T&T Group khẳng định.
Theo theo ông Edward Clayton, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam, sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân cũng rất cần thiết trong việc phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, đặc biệt là ở các khu vực có nguồn lực công hạn chế. Với nguồn tài chính, chuyên môn và năng lực của mình, các đơn vị tư nhân có thể giúp thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững.
Còn PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Nếu như chúng ta hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân bằng cách tạo điều kiện để họ tham chiến, tham gia vào các dự án quan trọng, thì những doanh nghiệp này sẽ cho thấy những kết quả vô cùng xuất sắc”.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh, khi đặt ra nhiệm vụ lớn cho khu vực tư nhân, thì không chỉ là tháo gỡ cho cái cũ mà còn phải đương đầu với những thách thức mới như kinh tế số, kinh tế xanh, đô thị thông minh, AI…. “Đây là những vấn đề đang đến rất nhanh, cần có cơ chế chính sách mới chứ không thể dùng cái cũ được” - chuyên gia này khẳng định.
Nhịp sống thị trường