MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết mở đường cho doanh nghiệp tư nhân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn sâu đậm về quan điểm, chiến lược quan trọng và đột phá để phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có kinh tế tư nhân.

Tính tới năm 2023, nước ta có hơn 800.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với khoảng 7 triệu doanh nhân. Kinh tế tư nhân đã đóng góp gần 45% GDP, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; tạo ra công ăn việc làm cho 85% lao động cả nước... Nhiều tập đoàn tư nhân không chỉ phát triển ở trong nước mà còn lớn mạnh ở thị trường nước ngoài.

Bước thay đổi mang tính đột phá

Thành quả về phát triển kinh tế tư nhân đến từ những quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, một quyết sách phải kể tới là sau Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Trung ương ký ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 (Nghị quyết 10) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 10 xác định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.

Nghị quyết mở đường cho doanh nghiệp tư nhân- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần gặp mặt đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và đại diện các doanh nhân trẻ tiêu biểu. (Ảnh tư liệu: Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam)

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá đây là nghị quyết tạo bước ngoặt thay đổi trong chính sách kinh tế Việt Nam; thể hiện rõ quan điểm mới của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Nền tảng xã hội chủ nghĩa là kinh tế công, trong khi kinh tế thị trường là sở hữu tư nhân. Nghị quyết 10 đã nâng tầm kinh tế tư nhân khi coi đây là động lực quan trọng. Không chỉ không phân biệt đối xử mà đây là tư tưởng mới về xã hội chủ nghĩa và thị trường" - ông Cường phân tích.

Từ đó, Việt Nam khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều DN tư nhân ra đời, trở thành những tập đoàn lớn mạnh nhờ làm ăn chân chính và được tạo điều kiện phát triển.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá Nghị quyết 10 là bước đột phá trong tư duy về kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Tư duy mới đã tạo ra khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, len lỏi vào tất cả những lĩnh vực của nền kinh tế.

Hiện thực hóa khát vọng

Tiếp nối tinh thần này, Bộ Chính trị - dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 (Nghị quyết 41) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết 41 ra đời với những quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ trong việc phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Lần đầu tiên, đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò quan trọng; là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 41 là sự hoàn thiện của thể chế về vấn đề phát triển doanh nhân; tiếp tục khẳng định, thừa nhận vai trò của doanh nhân về mặt chính trị. Phát triển và xây dựng Việt Nam hùng cường không thể thiếu một đội ngũ doanh nhân hùng mạnh trong nước.

PGS-TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho biết Đảng đã có những nghị quyết lớn về kinh tế tư nhân. Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa khát vọng đó của Bộ Chính trị và tâm huyết của người đứng đầu Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việt Nam cần cố gắng hơn nữa để ngày càng có nhiều DN tư nhân lớn mạnh.

GS-TS Hoàng Văn Cường cho rằng Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước, thông qua việc đặt hàng giành thị phần, mặt bằng phát triển cho các DN tư nhân ở những lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp đường sắt, hậu cần, vận tải biển… Việt Nam cần tiếp tục con đường phát triển kinh tế thị trường gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Hoàng Văn Cường nhìn nhận: "Đây là mô hình riêng có, cần nghiên cứu, sáng tạo, như tinh thần Tổng Bí thư là kiên định xã hội chủ nghĩa nhưng linh hoạt sáng tạo, không rập khuôn cứng nhắc; cái gì có lợi cho dân, cho đất nước thì làm".

GS-TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, trong đó có cơ chế kiểm soát quyền lực để trong sạch, vững mạnh, chống tham nhũng và tiêu cực. Cần tiếp tục phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì mục đích chung và chống tham nhũng, tiêu cực như Tổng Bí thư đã trăn trở, dày công thực hiện trong nhiều năm qua.

"Khuôn khổ pháp luật cần tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, như tinh thần của Bộ Chính trị đã đề ra" - ông Hoàng Văn Cường đề xuất.

Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. 

Phong cách mẫu mực

Là đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến khóa XV trong suốt hơn 20 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy một phong cách mẫu mực, một tấm gương sáng về người đại biểu của nhân dân.

GS-TS Hoàng Văn Cường nhớ lại hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trực tiếp tham gia các cuộc họp tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Nếu có việc phải đi, Tổng Bí thư đều đến nói với người chủ trì. Đặc biệt, Tổng Bí thư luôn gặp gỡ, bắt tay và đọc tên từng đại biểu. "Mỗi người đều được Tổng Bí thư nói về các đóng góp, nội dung phát biểu và tinh thần gì cần phát huy. Đó là điều tôi rất ấn tượng. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Tổng Bí thư vẫn rất sâu sát trong công việc của người đại biểu nhân dân" - ông xúc động.

Theo ông Hoàng Văn Cường,Tổng Bí thư luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, trong đó có đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Những cuộc tiếp xúc cử tri, những buổi trò chuyện gần gũi của Tổng Bí thư đã tạo niềm tin lớn lao cho nhân dân đối với Đảng và Quốc hội.

Nâng cao vị thế nền kinh tế Việt Nam

Trong gần 3 nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư vẫn thường nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Theo đó, quy mô nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc, từ năm 2011 đến nay tăng khoảng 4 lần - từ 110 tỉ USD lên 430 tỉ USD; GDP bình quân từ 1.160 USD lên 4.285 USD. Nền kinh tế Việt Nam tăng từ vị trí 55 (năm 2010) lên thứ 35 thế giới; từ thứ 6 lên thứ 4 trong 11 nước ASEAN (năm 2022).

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng nhiều năm liên tục đạt khoảng 7% (trừ năm đại dịch COVID-19). Chất lượng tăng trưởng chuyển dần từ nền kinh tế phụ thuộc vào vốn và tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào khoa học kỹ thuật - năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng từ 14% năm 2011 lên 43,8% năm 2023.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều ổn định. Trong đó, bội chi ngân sách từ 6%-7% giảm còn dưới 4%, nợ công từ 52,6% GDP (năm 2010) xuống 37% (2023); lạm phát giảm, chỉ số CPI từ 11,7% (năm 2010) giảm còn 3,25% (2023)... Trong khi đó, độ mở nền kinh tế từ 17,6% năm 2010 hiện đã tăng lên 200%. Việt Nam từ nước nhập siêu 12 tỉ USD năm 2010 đã trở thành nước xuất siêu 28 tỉ USD năm 2023...

Những số liệu nêu trên thể hiện thành quả ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam khi chuyển dịch tăng trưởng cả về lượng và chất. Điều này giúp nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.


Theo Thùy Linh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên