MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất chính sách đặc biệt gì cho Vân Phong?

Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG của Mỹ) phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (IRSD, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đề xuất nhiều chính sách đặc thù cho Khu Kinh tế Vân Phong.

Ngày 25-5, chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nghe báo cáo về tiến độ, một số nội dung liên quan đến công tác quy hoạch của tỉnh và xây dựng đề án cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong . Trong đó, BCG đưa ra nhiều chính sách đặc thù để phát triển kinh tế tại Vân Phong.

Tạo sự khác biệt để cạnh tranh

Theo BCG - IRSD, Việt Nam có 19 KKT ven biển thì 17 KKT có khu phi thuế quan, với các chính sách như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 4 năm, giảm thuế 50% trong 9 năm, miễn thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng mà trong nước không sản xuất được, khu phi thuế quan khi sử dụng hàng hóa xuất - nhập khẩu bên trong hoặc vận chuyển giữa các khu phi thuế quan được miễn thuế, miễn thị thực 30 ngày cho khách nước ngoài (như ở Phú Quốc)… Tuy vậy, qua so sánh với một số KKT và khu thương mại tự do (TMTD) ở một số nước, các khu này nhận được sự ưu đãi lớn từ chính quyền trung ương, đặc biệt là liên quan đến ngành chủ đạo (KTMTD Hải Nam - Trung Quốc) hoặc tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục trung chuyển và xuất nhập khẩu nhằm phát triển ngành hậu cần (Jurong- Singapore).

Đề xuất chính sách đặc biệt gì cho Vân Phong? - Ảnh 1.

Khu Kinh tế Vân Phong đang xây dựng những chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Nam Trung Bộ

Do đó, BCG - IRSD đề xuất 5 "chìa khóa" cho KKT Vân Phong để tạo sự khác biệt nhằm phát triển kinh tế. Cụ thể, trước tiên KKT Vân Phong nên tận dụng mô hình đa khu vực với Hòn Gốm đóng vai trò là khu TMTD nằm trong KKT nhằm hướng đến phát triển các ngành ưu tiên cụ thể với những chính sách và cơ chế hấp dẫn. Thứ 2, mô hình khu TMTD được đề xuất cho KKT Vân Phong thay cho mô hình khu phi thuế quan hiện tại nhằm tạo sự khác biệt với KKT ven biển khác ở Việt Nam và cạnh tranh với KKT khác trên thế giới.

Thứ 3, áp dụng chiến lược chính sách ưu đãi linh hoạt và thực tế, bao gồm cả chính sách tài khóa và phi tài khóa; chính sách cho toàn khu vực và chính sách tập trung theo ngành. Thứ 4, BCG phối hợp với IRSD đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi cho KKT Vân Phong, trong đó tính đến cả tác động và tính khả thi của từng chính sách dựa trên luật hiện hành và các tiền lệ trong nước, quốc tế.

Thứ 5, hỗ trợ của trung ương về xây dựng cơ sở hạ tầng cho KKT sẽ được đưa vào khuôn khổ chiến lược nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của tỉnh, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Những đòn bẩy

Qua phân tích, BCG - IRSD đưa ra 22 cơ chế chính sách có tác động tích cực nhất cho KKT Vân Phong. Cụ thể về mục tiêu phát triển tổng thể các hoạt động công nghiệp, KKT Vân Phong cần 3 chính sách, gồm miễn thuế 6 năm và giảm 50% thuế TNDN cho 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 19 năm đối với dự án thuộc diện ưu tiên; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, người lao động cư trú tại Khánh Hòa. Về việc bảo đảm nguồn lao động ổn định, tay nghề cao, cần chính sách hỗ trợ đào tạo 10 triệu đồng/người, đưa KKT Vân Phong vào diện được Chính phủ hỗ trợ về hạ tầng cơ bản.

Về mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, cần 4 chính sách là miễn thuế TNDN và chính sách tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục thế chấp đơn giản đối với dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng công nghiệp; xây dựng cao tốc Tuy Hòa - Vân Phong, cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.

Về mục tiêu phát triển ngành du lịch cần 4 chính sách, trong đó du khách nước ngoài đến khu TMTD và khách địa phương lưu trú 24 giờ trở lên được phép mua hàng miễn thuế; miễn thị thực 30 ngày khi đến lưu trú tại KKT Vân Phong; được phép kinh doanh casino cho người nước ngoài và người Việt. Đồng thời, đưa các điểm du lịch như Dốc Lết, Điệp Sơn, Mũi Đôi - Hòn Đầu, Hòn Ngang vào quy hoạch tổng thể du lịch.

Về phát triển ngành hậu cần, phải nâng cấp Hòn Gốm từ khu phi thuế quan thành khu TMTD. Theo đó, hàng hóa được trung chuyển qua 2 cảng quốc tế Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong để xuất khẩu, 2 cảng này được tham gia chính sách hải quan một cửa; hàng hóa không chịu thuế khi lưu kho tại khu TMTD trong 2 năm; sau khi khai báo hợp lệ không chịu sự kiểm tra gắt gao; đơn giản hóa việc thông quan xuất nhập và quản lý hàng hóa.

Về đóng tàu, phát triển thủy sản và các mục tiêu khác cần thêm 7 chính sách nữa như: dự án cung cấp vật tư, linh kiện được miễn thuế TNDN 6 năm, giảm 50% trong vòng 13 năm tiếp theo; miễn thuế hải quan đối với nguyên liệu thô, linh kiện dùng để sản xuất và sửa tàu biển. Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí xử lý nước thải cho hoạt động chế biến thủy sản với điều kiện ít nhất 30% lao động địa phương và 60% nguyên liệu thủy sản địa phương; dự án nuôi trồng thủy sản được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành. Các dự án về công nghệ cao, công nghệ sạch và dự án đầu tư vào khu TMTD được giảm 10% thuế TNDN trong suốt thời gian hoạt động…

Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết đồ án điều chỉnh quy hoạch được thực hiện song song với nhiệm vụ quy hoạch, đã hoàn thành 80% khối lượng, dự kiến đến ngày 10-6 sẽ hoàn thiện, sau đó sẽ lấy ý kiến các sở, ngành. Về cơ chế, chính sách phát triển, một phần sẽ kế thừa một số KKT đã có. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn đang đi sâu, đề xuất theo nhóm giải pháp đặc thù với những ngành nghề ưu tiên dựa trên thế mạnh về tự nhiên, con người ở KKT và tỉnh Khánh Hòa, xây dựng mô hình kiểu mẫu về KKT biển so với các KKT khác.

Đặt mục tiêu top 10 năng lực cạnh tranh

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhấn mạnh các cơ chế chính sách đặc thù cho KKT Vân Phong phải bảo đảm quy trình lấy ý kiến các bộ, ngành, trình Chính phủ và Quốc hội. Riêng KKT Vân Phong cần phải cân nhắc việc bổ sung xã Xuân Sơn vào quy hoạch và phải làm thế nào để khai thác tối đa lợi thế ở khu vực này.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong buổi làm việc gần đây với tỉnh Khánh Hòa cho rằng KKT Vân Phong cần có tầm nhìn dài hạn không chỉ cạnh tranh với KKT trong nước mà phải đủ sức cạch tranh với Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… Khánh Hòa có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cái quan trọng nhất là phải phát triển hiện đại, bền vững, bao trùm nhất là kinh tế xanh bền vững; phát triển cụm ngành tương tác với nhau, không chỉ kinh tế mà đô thị, nâng cấp lên kết nối với toàn cầu; môi trường đầu tư kinh doanh cần đặt mục tiêu vào top 10 năng lực cạnh tranh nhất nước.

Theo Kỳ Nam

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên