MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất dự án sản xuất xe điện được ưu đãi thuế TNDN ở mức cao

Đề xuất dự án sản xuất xe điện được ưu đãi thuế TNDN ở mức cao

Theo phân tích của EuroCham, hiện tại, quy định về thuế TNDN không có ưu đãi đối với dự án đầu tư sản xuất xe điện. Trong khi, đây là lĩnh vực đột phá trên thế giới, có tiềm năng kinh tế cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Vấn đề ưu đãi, khuyến khích phát triển lĩnh vực xe điện đã được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề cập trong báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT) sắp tới, hiệp hội đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí.

Báo cáo của EuroCham gửi đến diễn đàn, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế. Trong khi đó, các hình thức ưu đãi trực tiếp về mặt chi phí chưa phổ biến theo quy định tại Việt Nam.

Thực tế, các doanh nghiệp thường chưa có lãi trong các năm đầu hoạt động do chi phí cố định phát sinh lớn đối với các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu phát triển, theo đó những doanh nghiệp này sẽ cần các hình thức ưu đãi trực tiếp hơn, như ưu đãi hỗ trợ về mặt chi phí.

Ví dụ: hỗ trợ chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn các hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển, cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Theo đó, EuroCham khuyến nghị cân nhắc bổ sung các chính sách ưu đãi về mặt chi phí (ví dụ như hỗ trợ chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ) để khuyến khích các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên có chọn lọc.

Ví dụ: các dự án có vốn đầu tư lớn, đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất (nhà xưởng, máy móc...); các dự án phát sinh các chi phí đầu tư lớn công nghệ, nghiên cứu phát triển lớn, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ cao, dự án nghiên cứu phát triển, sản xuất phương tiện chạy bằng điện.

Riêng với mặt hàng xe điện, EuroCham đánh giá, hiện tại, quy định về thuế TNDN không có ưu đãi đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phương tiện chạy bằng điện (ví dụ ô tô điện). Trong khi, đây là ngành công nghiệp đột phá trên thế giới, có tiềm năng kinh tế cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Lĩnh vực này đang và dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kéo theo sự phát triển của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và linh, phụ kiện, theo đó có tiềm năng đóng góp quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam, EuroCham nhận định.

Ngoài ra, về mặt môi trường, phương tiện chạy bằng điện đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế khí thải ra môi trường. Lĩnh vực này cũng rất phù hợp với chiến lược phát triển xanh của Việt Nam cũng như việc thực hiện các cam kết COP26.

Theo đó, EuroCham cho rằng, lĩnh vực sản xuất phương tiện chạy bằng điện nên được khuyến khích và hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao.

EuroCham khuyến nghị cân nhắc bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phương tiện chạy bằng điện ở mức ưu đãi cao – tương đương với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, thuế suất ưu đãi 10% sẽ áp dụng trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.

Sáng 19/3, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 đã diễn ra với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên