Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2%
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Tờ trình và Nghị định quy định chính sách giảm Thuế Giá trị gia tăng 2%.
- 13-06-2023GDP (PPP) từng chỉ bằng 1/3 Thái Lan, Việt Nam được dự báo vượt qua chỉ trong 3 năm nữa
- 30-05-2023GDP (PPP) Việt Nam được dự báo vượt Úc, Ba Lan tiến vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới
- 23-05-2023Được IMF nhận định là ngôi sao sáng và sẽ tăng trưởng gấp đôi toàn cầu, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 dự báo đứng thứ mấy thế giới?
Dự thảo Nghị định quy định giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Mức giảm thuế GTGT: Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ; cơ sở kinh doanh bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.
Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Dự thảo Tờ trình nêu rõ, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống. Đối với doanh nghiệp (DN) chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc giảm thuế GTGT trong bối cảnh hiện nay sẽ tác động tích cực giúp người dân có điều kiện sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ, thông qua đó kích cầu, thúc đẩy doanh nghiệp thêm điều kiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ, từ đó DN phục hồi, có nguồn thu và quay lại đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.
Theo dự thảo Tờ trình, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho DN và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình 1 tháng khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Với giải pháp giảm thuế GTGT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu ngân sách nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).
Đại đoàn kết