Đề xuất hai phương án về đấu giá nợ xấu
Trong bản báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản trình Quốc Hội, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội đã có những ý kiến liên quan đến quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của VAMC và các công ty quản lý tài sản khác.
- 24-10-2016Xử lý tận gốc khối u nợ xấu
- 24-10-2016Thí điểm phá sản ngân hàng: “Đòn” mạnh của Chính phủ để giải quyết nợ xấu
- 22-10-2016Đổi nợ xấu thành vốn góp: Tránh làm “méo mó” thị trường tài chính
- 21-10-2016Đại biểu Quốc hội: Chuyển nợ xấu sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời
Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trước đây được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng. Và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu ở nước ta là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia.
Ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC, quy định một số cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
"VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó bán đấu giá tài sản chỉ là một trong các phương thức đó", báo cáo chỉ rõ.
Cụ thể, theo pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân...
Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
Đối với các công ty Quản lý tài sản (AMC) do các tổ chức tín dụng thành lập, quyền và nghĩa vụ của các AMC thực hiện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, theo đó việc mua bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 3 của dự thảo Luật.
Đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004 với mục tiêu góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước. Cũng như các AMC, trường hợp DATC thực hiện bán đấu giá các khoản nợ và tài sản qua hình thức đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, do vấn đề này còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 2 phương án để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Bao gồm:
1/ Dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC.
Do vậy, để đảm bảo tính phổ quát xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung Mục 3 (gồm 2 Điều) về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV, bao gồm: Điều 64 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và Điều 65 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong trường hợp tự đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...
Dự thảo Luật đấu giá tài sản hiện đang trình Quốc hội theo phương án 1.
2/ Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này.
Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.