MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi taxi điện tại Hà Nội

22-03-2023 - 07:13 AM | Thị trường

Chiều 21/3 Hiệp hội taxi Hà Nội đã tổ chức họp với trên 50 doanh nghiệp (DN) thành viên. Tại đây, các DN taxi tại Hà Nội thống nhất, đề xuất thành phố Hà Nội, Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách cho hoạt động và mua, nhập khẩu ô tô điện dưới 9 chỗ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, với xu thế phát triển của toàn cầu là ưu tiên sử dụng phương tiện sạch nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm môi trường, do vậy cùng với bàn thảo một số vấn đề liên quan đến hoạt động của taxi trên địa bàn thành phố, cuộc họp chiều 21/3 cũng thảo luận về vấn đề áp dụng và thử nghiệm xe điện để hướng đến chuyển đổi xe chạy dầu sang chạy động cơ điện trên lĩnh vực taxi.

Theo ông Hùng, trước khi cuộc họp này diễn ra, trong các thành viên của hiệp hội đã có nhiều đơn vị, DN chủ động liên hệ, tìm kiếm đối tác, công nghệ để triển khai loại hình xe taxi điện ở nước ta. “Tại hãng taxi Mai Linh, đã có một DN chuyên cung cấp, sản xuất, lắp ráp ô tô đang làm việc, đàm phán để chuyển giao hàng nghìn ô tô điện để hoạt động trên lĩnh vực taxi. Đây là điều kiện rất tốt để không chỉ Mai Linh mà cả các DN taxi khác nghiên cứu, áp dụng và thực hiện trong thời gian tới”, ông Hùng nói.

Đề xuất hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi taxi điện tại Hà Nội - Ảnh 1.

Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội trao đổi ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đảng

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Hãng taxi G7 cho biết, sau nhiều năm phát triển taxi truyền thống (sử dụng nhiên liệu dầu) đã bão hòa và đang bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận tải khách công nghệ, do vậy ông đồng tình với việc các DN taxi Hà Nội triển khai chuyển đổi xe chạy dầu sang chạy điện. Theo ông việc này vừa phù hợp xu thế, vừa giúp DN taxi Hà Nội cạnh tranh sòng phẳng với các hãng vận tải khách công nghệ.

Tuy nhiên vấn đề ông Quân quan tâm là giá cả của xe điện, nếu mua, nhập đắt sẽ khiến thời gian thu hồi vốn của DN kéo dài, khó khăn; giá cước cũng vì thế là đội lên khó cạnh tranh với các loại hình dịch vụ khác. Hiệp hội cần có tiếng nói chung về cơ chế cho hoạt động, mua nhập xe ô tô điện dưới 9 chỗ.

Hướng phát triển mới của đô thị

Được mời dự hội nghị và phát biểu ý kiến, Ủy viên Ủy Ban Khoa học công nghệ của Quốc hội Phạm Chí Trung cho rằng, cùng với phù hợp xu thế, đúng chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, việc các DN taxi Hà Nội đồng tình chuyển đổi sang xe taxi điện trong thời gian tới là hướng đi rất mới trong hoạt động vận tải và phát triển đô thị.

“Tuy có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng thời gian dịch COVID vừa qua lại giúp cho khoa học, công nghệ mà những ứng dụng trên lĩnh vực này phát triển mạnh gấp đôi. Nếu DN taxi Hà Nội sớm thực hiện được việc chuyển đổi này thì không những cạnh tranh với các hãng vận tải công nghệ nước ngoài mà còn giúp nâng cao văn minh đô thị, giúp cơ quan nhà nước sớm hoàn thành các văn bản, thể chế để quản lý và thúc đẩy các loại hình xe điện phát triển.

Đề xuất hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi taxi điện tại Hà Nội - Ảnh 2.

Ủy viên Ủy Ban Khoa học công nghệ của Quốc hội Phạm Chí Trung phát biểu ý kiến. Ảnh: Trọng Đảng

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kết luận buổi họp, ông ghi nhận các ý kiến của đại biểu dự họp, tiếp đó từ kết quả của cuộc họp Hiệp hội Taxi Hà Nội sẽ đi khảo sát, làm việc với các DN cung cấp xe điện có tên tuổi ở trong và ngoài nước để nắm bắt thêm thực tế. Sau đó, hiệp hội sẽ hoàn thành văn bản kiến nghị gửi lên UBND thành phố Hà Nội, các bộ ngành và Chính phủ.

Cùng với kiến nghị về các chính sách, cơ chế mua, nhập ô tô điện, từ nội dung cuộc họp đã thống nhất, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị thành phố Hà Nội dỡ bỏ các biển cấm taxi đang tồn tại nhiều năm nay trên các tuyến phố. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả trên 60 điểm dừng đỗ cho taxi hoạt động trên địa bàn thành phố vừa được Sở GTVT và UBND thành phố phê duyệt.

Theo Trọng Đảng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên