Đề xuất kéo điện lưới ra Côn Đảo với dự án gần 5.000 tỉ đồng
Đề xuất triển khai dự án gần 5.000 tỉ đồng kéo điện lưới ra Côn Đảo, trong ảnh là một tuyến đường tại huyện đảo này - Ảnh: Ngọc Giang
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kết quả tính toán cho thấy dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo khả thi về mặt kinh tế, khả thi về mặt tài chính và đáp ứng được mục tiêu phát triển Côn Đảo.
- 29-05-2022Việt Nam - địa điểm hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư Australia
- 29-05-2022Cận cảnh nơi Hà Nội dự kiến xây 8 cây cầu bắc qua sông Hồng
- 29-05-2022Loại vải quý hiếm bậc nhất thế giới: Việt Nam là 1 trong 3 nước duy nhất sản xuất được
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ ngành và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Sóc Trăng để lấy ý kiến đối với chủ trương đầu tư dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trước đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về dự án cấp điện lưới cho Côn Đảo, huyện Côn Đảo hiện được cấp điện từ nguồn chính là Nhà máy diesel An Hội và Nhà máy điện diesel An Hội mở rộng gồm 9 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 11.820 kW. Hiện trên địa bàn huyện do hạn chế về nguồn cung cấp điện nên trong những năm qua chỉ đáp ứng được nhu cầu điện sinh hoạt và một phần điện cho nhu cầu dịch vụ, du lịch.
Dự báo nhu cầu điện cho huyện đảo đến năm 2025 khoảng 28,7 MW, tăng hơn 3 lần, lên 87,6 MW vào 2030 và đạt 94 MW vào 2035. Với dự báo này, thì việc đầu tư đường dây cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo là rất cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, lâu dài, góp phần ổn định, cải thiện đời sống người dân, lực lượng bộ đội và cảnh sát biển trên đảo, phát triển tiềm năng du lịch và các ngành nghề sữa chữa tàu thuyền, hậu cần nghề cá.
Theo EVN, kết quả tính toán cho thấy dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo khả thi về mặt kinh tế, khả thi về mặt tài chính và đáp ứng được mục tiêu phát triển Côn Đảo.
Tại tờ trình, EVN đã đưa ra các phương án xây dựng tuyến đường dây 110 kV, vị trí trạm biến áp, và tuyến cáp ngầm biển từ khu vực Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến Côn Đảo. Dự kiến quy mô đầu tư xây mới đường dây 110 kV có chiều dài khoảng 102,5 km từ trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo, tuyến cáp ngầm 110 kV dài khoảng 6,1 km.
Bên cạnh đó, dự án còn phần đầu tư mở rộng trạm biến áp hiện có tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Côn Đảo để đáp ứng việc cấp điện lưới từ đất liền ra đảo. Theo tính toán của EVN, tổng mức đầu tư cho dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo là hơn 4.950 tỉ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2025.
Cũng theo EVN, giá mua điện của dự án này 1.593,2 đồng/kWh, là mức giá bán buôn trung bình giữa EVN và Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Đối với giá bán điện, EVN cho biết khi huyện đảo này được cấp điện từ lưới quốc gia, giá bán sẽ thống nhất với toàn hệ thống điện quốc gia, tính theo giá bình quân gia quyền cho các loại phụ tải liên quan theo quy định của Bộ Công Thương, là 2.429,6 đồng/kWh.
Cũng liên quan đến dự án này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Người Lao Động