MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất không nghỉ bù Tết Nguyên đán: Doanh nghiệp bất ngờ phản đối

15-05-2019 - 09:00 AM | Xã hội

Nhiều doanh nghiệp đề xuất ý kiến giữ nguyên quy định về nghỉ Tết Nguyên đán như hiện nay để lao động xa quê có thời gian về nhà ăn Tết dài hơn.

Theo Dự thảo Luật Lao động sửa đổi do Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố, có 2 phương án về nghỉ Tết Nguyên đán. Phương án 1: Giữ nguyên hiện hành. Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.

Đề xuất không nghỉ bù Tết Nguyên đán: Doanh nghiệp bất ngờ phản đối - Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

Bộ LĐ-TB-XH cho rằng đa số các nước trên thế giới có lịch nghỉ Tết dương lịch dài. Ngược lại, Việt Nam có thời gian nghỉ Tết lịch dương ngắn và nghỉ Tết Nguyên đán dài. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu của Việt Nam đang có lịch nghỉ lệch nhịp so với thế giới, ảnh hưởng đến việc sản xuất đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng theo Bộ LĐ-TB-XH, số ngày nghỉ lễ được tính lương của Việt Nam còn thấp so với những ngày nghỉ của các nước lân cận. Ví dụ: Việt Nam chỉ có 10 ngày, Campuchia 14 ngày, Lào 16 ngày, Singapore 12 ngày…

Từ thực tế trên, trong quá trình soạn thảo, nhiều ý kiến đề nghị sửa rút ngắn ngày nghỉ Tết âm lịch lại và ngày nghỉ bù sẽ chuyển sang những ngày nghỉ khác để nhịp nghỉ của người lao động có phần đáp ứng với quá trình liên thông trong thực hiện đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu, phù hợp với nhiều nước trên thế giới.

Cho ý kiến về vấn đề này tại Hội thảo Góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi từ cộng đồng doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, nhiều doanh nghiệp lại bất ngờ ủng hộ phương án nghỉ bù như hiện nay. 

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng nên giữ nguyên quy định về nghỉ Tết như hiện nay. Tức trường hợp ngày nghỉ Tết Nguyên đán trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

"Ngành dệt may có nhiều lao động xa quê. Do đó, doanh nghiệp càng tạo điều kiện cho họ có ngày nghỉ bù Tết thì họ càng muốn quay lại làm việc. Hiện nay thậm chí nhiều doanh nghiệp ở phía Nam còn cho người lao động nghỉ Tết dến tận Rằm tháng Giêng", ông Cẩm cho biết.

Bà Đỗ Thị Thuý Hương đại diện Hiệp hội điện tử Việt Nam cũng đồng quan điểm cho rằng không nên thay đổi để rút ngắn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo bà Hương, điện tử một trong những ngành sản xuất đang thu hút nhiều ngoại hối và đông lao động của Việt Nam. Doanh nghiệp ngành điện tử tập trung đông lao động tại một vài địa phương. Do đó khi nghỉ Tết, người lao động từ nơi làm việc cần một khoảng thời gian di chuyển về gia đình. Việc quy định ngày nghỉ Tết Nguyên đán ngắn quá sẽ khó đảm bảo được lịch nghỉ trọn vẹn.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền cũng cho rằng thời gian nghỉ Tết gồm cả nghỉ bù kéo dài khoảng 7 ngày là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và người lao động.

“Quy định về ngày nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là phù hợp. Nhiều doanh nghiệp Nhật bản đang có trụ sở ở các khu công nghiệp tập trung lao động. Việc đi lại cũng cần có thời gian, đặc biệt là những lao động có quê xa nơi làm việc”, bà Huyền nói.

Hiện các nội dung trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến dư luận, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Theo Nguyễn Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên