Đề xuất miễn giấy phép cho dự án điện mặt trời mái nhà
Đây là một trong những điểm mới được Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được đưa ra lấy ý kiến.
- 16-04-2024Huyện có sân bay 336.000 tỷ đồng, tụ hội 5 tuyến cao tốc hơn 127.000 tỷ đồng, muốn lên thành phố
- 16-04-2024Sông chảy qua Hà Nội 'cõng' nhiều cầu nhất Việt Nam, năm 2050 sẽ có 18 cầu với số vốn kỷ lục
- 16-04-2024Cần cẩu siêu trọng đi suốt một tháng để dựng nên cầu 1.900 tỷ, có vòm thép cao nhất Việt Nam
Theo dự thảo Nghị định, việc triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Cùng đó, điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp và áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định gồm: Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Theo dự thảo nghị định, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản , tự tiêu sẽ phải đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định và được miễn giấy phép hoạt động điện lực.
Dự thảo cũng nêu rõ, điện mặt trời mái nhà được định nghĩa là điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và được kết nối với thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện. Mái nhà của công trình xây dựng gồm: Nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
Dự thảo cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Cụ thể, dự án điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất thuộc kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13 và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực;
"Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định", dự thảo đề xuất.
Dự thảo cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư , lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện. Cùng đó, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Bộ Công Thương cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân... Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ xem xét quyết định.
Theo Bộ Công Thương, tổng quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở trên cả nước đến năm 2030 khoảng 2.600MW hoặc phấn đấu có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà (tùy vào điều kiện được quy định).
Nguồn điện "tự sản, tự tiêu" là tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia, không đấu nối, liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển có thể không giới hạn.
Tiền phong