MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất mở rộng đối tượng, nới điều kiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng

Đề xuất mở rộng đối tượng, nới điều kiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng

Để người lao động (LĐ) và doanh nghiệp (DN) tiếp cận dễ hơn với các chính sách hỗ trợ từ nhà nước trong lúc khó khăn, Bộ LĐ-TB&XH vừa có dự thảo sửa đổi một số điều kiện, bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ từ gói hỗ trợ COVID-19 trị giá 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19, đơn vị soạn thảo - Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ và bỏ 1 số điều kiện không sát thực tế.

Về hỗ trợ LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương:

Dự thảo xác định rõ thời gian người LĐ nghỉ việc do DN dừng hoạt động từ tháng 5/2021 tới hết năm nay. Ngoài hỗ trợ người LĐ trong DN buộc phải dừng hoạt động theo yêu cầu của nhà chức trách, còn bổ sung hỗ trợ với LĐ tại DN phải dừng hoạt động vì trong khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bỏ quy định về các loại thủ tục hồ sơ đơn vị phải gửi kèm đề nghị hỗ trợ. Thay vào đó, đơn vị lập danh sách LĐ nghỉ việc đủ điều kiện hỗ trợ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách. Hồ sơ có thể gửi về UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Hỗ trợ LĐ ngừng việc:

Mở rộng hỗ trợ thêm người LĐ phải ngừng việc do nơi làm việc trong khu vực áp dụng Chỉ thị 16 phải dừng hoạt động hoặc phải bố trí lại sản xuất, bên cạnh nhóm hỗ trợ hiện hành là: Người LĐ phải ngừng việc do cách ly y tế (F1), điều trị COVID-19 (F0), trong khu vực phong toả.

Hỗ trợ LĐ chấm dứt hợp đồng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Bổ sung thêm người LĐ bị mất việc làm do nơi làm việc nằm trong khu vực áp dụng Chỉ thị 16 nên phải phải dừng hoạt động (ngoài người LĐ tại đơn bị buộc phải dừng hoạt động theo yêu cầu của nhà chức trách).

Hỗ trợ trẻ em, người điều trị COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1):

Bổ sung hỗ trợ với trường hợp F1, F0 cách ly hoặc điều trị tại nhà.

Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch:

Nêu rõ hơn hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, thay cho hướng dẫn viên du lịch chung chung.

Hỗ trợ hộ kinh doanh:

Bỏ quy định quy định đăng ký kinh doanh, chỉ cần đăng ký thuế. Bổ sung thêm hỗ kinh doanh phải dừng hoạt động do trong khu vực áp dụng Chỉ thị 16 (bên cạnh hỗ kinh doanh phải dừng theo yêu cầu của nhà chức trách).

Hỗ trợ DN vay vốn ưu đãi trả lương

Bổ sung nhóm được vay với DN phải dừng hoạt động do nằm trong khu vực áp dụng Chỉ thị 16 (thay vì chỉ với DN được nhà chức trách yêu cầu dừng hoạt động).

Bỏ điều kiện không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng tại thời điểm đề nghị vay; DN có người LĐ đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền trước thời điểm người LĐ ngừng việc; người LĐ ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ tháng 5/2021 tới hết năm 2022.

Bỏ 2 thành phần hồ sơ đề nghị vay vốn trả lương, là bản sao quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và xác nhận danh sách lao động đang tham gia Bảo hiểm xã hội.

Thay vào đó, ngân hàng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận danh sách lao động đang tham gia Bảo hiểm xã hội. Giảm thời gian phê duyệt cho vay từ 5 ngày xuống còn 4 ngày.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đào tạo lại LĐ để duy trì việc làm:

Sửa điều kiện về doanh thu, chỉ cần DN giảm doanh thu từ 5% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020 (thay cho mức 10% hiện hành).

Bổ sung cho phép DN được được nộp hồ sơ thành nhiều đợt phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng LĐ, thay vì chỉ nộp hồ sơ 1 lần. Dù nộp nhiều đợt, nhưng mỗi người LĐ chỉ được hỗ trợ đào tạo lại 1 lần.

Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ trong tuần này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tới ngày 25/8, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tổng số tiền hỗ trợ trên 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số tiền này có tới hơn 4.500 tỷ đồng là từ gói giảm và hoãn đóng Bảo hiểm xã hội; hơn 2.180 tỷ đồng hỗ trợ 1,2 triệu LĐ tự do. Các chính sách còn lại giải ngân rất ít, thậm chí gói hỗ trợ đào tạo lại LĐ chỉ có vài hồ sơ và chưa có DN nào được hỗ trợ.

Danh sách các tỉnh thành còn chậm theo công bố của Bộ LĐ-TB&XH gồm:

Bến Tre và Vĩnh Long chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ

Có 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.

Có 5 tỉnh chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc: Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên.

Có 3 tỉnh thành chưa có DN được giải ngân gói vay trả lương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

Trở lên trên