Đề xuất mức phạt 'khủng' với tư vấn bảo hiểm nhân thọ sai quy định
Bộ Tài chính đề xuất tăng gấp đôi tiền phạt với nhiều hành vi sai phạm trong hoạt động bảo hiểm nhân thọ, như: Xử phạt doanh nghiệp 90-100 triệu đồng có tài liệu giới thiệu sản phẩm không trung thực thông tin, điều khoản sản phẩm bảo hiểm; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định...
- 17-09-2023Nắm giữ hàng chục nghìn tỷ tiền gửi ngân hàng và trái phiếu, một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lãi kỷ lục trong nửa đầu năm
- 16-09-2023Cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
- 20-08-2023Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc thanh tra bán bảo hiểm
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm , kinh doanh xổ số.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng gấp đôi mức xử phạt hiện hành, lên mức 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng với nhiều hành vi vi phạm bảo hiểm nhân thọ. Các hành vi bị xử phạt ở mức này gồm: tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm.
Tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đề xuất xử phạt vi phạm quy định về sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm với mức phạt 60-70 triệu đồng với nhiều hành vi. Các hành vi bị phạt như: cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Không tuân thủ phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm vi mô đã đăng ký với Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính chấp thuận theo quy định tại Điều 145 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Luỹ kế từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tổng số tiền phạt 2,95 tỷ đồng.
Trả lời cử tri một số địa phương như Lâm Đồng về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính cho biết, đang thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm. Năm 2023, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Đến nay, Bộ Tài chính đã khảo sát, thu thập thông tin và dự kiến tiến hành thanh tra 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại theo kế hoạch.
Hồi tháng 6, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra với 4 doanh nghiệp bảo hiểm qua ngân hàng gồm: Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife. Trong đó, chỉ ra nhiều sai phạm với việc bán bảo hiểm qua ngân hàng như: Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Tiền phong