Đề xuất phương án xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4
Bộ Công Thương đề xuất phương án xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020, sau đó sẽ tiếp tục xem xét kế hoạch xuất khẩu cho tháng 5.
- 06-04-2020Giá gạo cấp thấp tăng đột biến
- 05-04-2020Lo nguồn cung gạo dịp COVID-19, cấp bách bảo vệ 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân
- 04-04-2020Thủ tướng: Việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng
Ngày 6-4, Bộ Công Thương đã gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 31-3, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, lấy ý kiến các bộ ngành, các cơ quan có liên quan để hoàn thiện, báo cáo phương án xuất khẩu gạo lên Thủ tướng.
Trong báo cáo này, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng có kiểm soát chặt chẽ về số lượng. Phương án xuất khẩu kiểm soát theo từng tháng, trong đó tháng 4-2020 sẽ xuất khẩu 400 ngàn tấn.
Bộ Công Thương đề xuất phương án xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo trong tháng 4-2020
Kế hoạch xuất khẩu gạo tháng 5-2020 sẽ được các bộ ngành xem xét vào tuần cuối cùng của tháng 4, trên cơ sở diễn biến dịch Covid-19 để báo cáo Thủ tướng quyết định.
Trước đó, trong báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì làm việc với các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp ngày 28-3, Bộ cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xuất khẩu nêu trên.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 4 và 5 có thể xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cần giữ lại cho nhu cầu trong nước khoảng 700 ngàn tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Do đó, số gạo có thể xuất khẩu trong 2 tháng này 800 ngàn tấn (giảm 40% so với cùng kỳ). Việc theo dõi, quản lý số lượng 400 ngàn tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4-2020 sẽ giao cho Tổng cục Hải quan.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, sản xuất năm 2020 của cả nước ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, trong đó sản lượng lớn nhất vẫn là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với vụ Đông Xuân ước đạt 10,8 triệu tấn, vụ hè thu đạt 8,7 triệu tấn. Cũng tại khu vực này, đến nay vụ Đông Xuân đã thu hoạch được 9/10,8 triệu tấn thóc.
Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN-PTNT tính toán nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 là 29,9 triệu tấn thóc. Trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Từ những tính toán nêu trên, Bộ Công Thương cho biết, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.
Người lao động