Đề xuất quy định chính sách ưu việt, đặc thù nhất cho Thủ đô
Phát biểu tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khuôn khổ kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo đề nghị xem xét những chính sách ưu việt, đặc thù nhất để quy định trong dự thảo Luật.
- 25-11-2023Sân bay Long Thành bứt tốc thi công, bảo đảm về đích đúng hạn
- 25-11-2023Một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ
- 25-11-2023Hợp tác đầu tư Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ: Tiềm năng, dư địa rất lớn
Theo ông Nguyễn Tạo, quá trình triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2012 đã giúp thành phố Hà Nội thiết lập được những công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho xây dựng, quản lý và phát triển; từ đó Thủ đô có được diện mạo văn minh, hiện đại như ngày hôm nay. Luật Thủ đô hiện hành cũng thiết lập được các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô; tạo sự chủ động, tích cực cho nhiều lĩnh vực, có sự lan tỏa đến các vùng xung quanh Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tạo cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Luật Thủ đô 10 năm qua cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc triển khai một số mục tiêu, chương trình giải pháp đề ra. Đặc biệt như lĩnh vực về quy hoạch, quản lý sử dụng đất, thu hút, thúc đẩy đầu tư phát triển, bảo tồn và phát triển văn hóa, di sản và phát triển giáo dục, khoa học - công nghệ, nhất là bảo vệ môi trường.
“Việc ban hành Luật Thủ đô sửa đổi lần này là rất cần thiết”, ông Nguyễn Tạo nói.
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý đô thị, chính quyền đô thị. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn qua quá trình thí điểm cơ chế đặc thù của các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Tại các địa phương này bước đầu đã triển khai được những cơ chế đặc thù, chúng ta nên xem xét những chính sách ưu việt, đặc thù nhất để quy định vào dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô lần này.
Bên cạnh đó, một số cơ chế đặc thù đang được áp dụng tại các đô thị loại 1 thuộc tỉnh như: Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa cũng có những nội dung cần quan tâm. Ví dụ như cơ chế thu hút các khu kinh tế, khu công nghiệp của Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An; cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị di sản UNESCO ở Huế… cần được xem xét áp dụng để bảo đảm hội tụ tinh hoa các cơ chế, chính sách khi sửa đổi Luật Thủ đô.
Hà Nội mới