Đề xuất quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội có hiệu lực ngay từ 1/12/2024
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề xuất, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định về tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội cần có hiệu lực ngay từ ngày 01/12/2024 còn đối với các nội dung khác có hiệu lực từ 01/01/2025 để phù hợp với năm ngân sách.
- 28-10-2024Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan nữ cấp tướng trong quân đội lên 60 tuổi
- 03-10-2024Đề xuất chính sách nhà ở, nâng tuổi nghỉ hưu đối với quân nhân, viên chức quốc phòng
- 27-09-2024Đề nghị bổ sung quy định về kỷ luật; nâng tuổi nghỉ hưu nữ quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng
Chiều 28/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, và Tiền Giang.
Cần tiếp tục rà soát 17 chức vụ cơ bản, chức danh tương đương để tránh bỏ sót
Phát biểu phiên thảo luận tại Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là dự án luật đầu tiên thể hiện tư duy đổi mới, theo đó, trong luật chỉ quy định quân hàm từ Thượng tướng trở lên còn Trung tướng trở xuống giao Quân ủy Trung ương và Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội.
“Trong bối cảnh hiện nay các vấn đề chuyển đổi rất nhanh nếu quy định chi tiết quá sẽ rất vướng trong quá trình thực hiện, vì vậy sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là luật đầu tiên đánh dấu thực hiện tư tưởng đổi mới, luật chỉ quy định những vấn đề lớn còn những vấn đề còn lại giao Chính phủ, cấp có thẩm quyền phù hợp quy định…” , Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích nhiều nội dung cụ thể được quy định tại dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát 17 chức vụ cơ bản, chức danh tương đương để tránh bỏ sót; hiệu lực của Luật nên quy định thống nhất 1 hiệu lực thi hành chung;…
Bên cạnh đó, đối với quy định về nhà ở xã hội đối với lực lượng vũ trang về nguyên tắc là Bộ Quốc phòng nhưng phải phù hợp với pháp luật, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở,… do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo luật cần rà soát thể hiện phù hợp; đảm bảo tính khả thi.
Góp ý tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cơ bản tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).
Đồng thời, nhấn mạnh việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐNDVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Làm rõ hơn đặc trưng của quân đội đối với quy định về “nghỉ chờ” cần xử lý như thế nào cho phù hợp
Quan tâm tới quy định tại Khoản 1, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cơ bản thống nhất với 17 chức vụ cơ bản và chức danh tương đương.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đây là nội dung sửa đổi quan trọng vì vậy cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ đảm bảo khắc phục được những bất cập của thực tiễn vừa qua.
Đồng thời, thống nhất với quy định về tuổi nghỉ hưu như đề xuất tại Tờ trình, đại biểu cũng lưu ý cần đánh giá về Quỹ bảo hiểm xã hội; làm rõ hơn đặc trưng của quân đội đối với quy định về “nghỉ chờ” cần xử lý như thế nào cho phù hợp?
Ngoài ra, đối với quy định về hiệu lực, đại biểu đề xuất, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định về tuổi nghỉ hưu cần có hiệu lực ngay từ ngày 01/12/2024 còn đối với các nội dung khác có hiệu lực từ 01/01/2025 để phù hợp với năm ngân sách, công tác chuẩn bị các nội dung quy định trong luật; bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Đề nghị bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm kỳ biệt phái và khi họ nghỉ hưu
Nêu quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh sự cần thiết kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, bao gồm cả các dự án luật đang trình Quốc hội cho ý kiến.
Tại dự thảo Luật, quy định Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện việc quản lý nhà nước về sĩ quan; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát và cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm thống nhất với các luật khác. “Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, do đó, chưa có cơ sở để khẳng định việc áp dụng Điều 102 của Luật Nhà ở (sửa đổi) về vai trò, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và UBND cấp tỉnh trong công tác lập quy hoạch, phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật cũng cần bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm kỳ biệt phái và khi họ nghỉ hưu.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến vào một số nội dung khác như: chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; chế độ, chính sách đối với sĩ quan QĐNDVN.
Chinhphu.vn