Đề xuất tái mở cửa an toàn
Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính ngày 19-3 đã có cuộc trao đổi về các giải pháp tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững vừa được đề xuất trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Vừa mừng vừa lo
Ông Chính khẳng định TAB ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, tạo ra doanh thu hơn 30 tỉ USD/năm và sử dụng một lượng lao động rất lớn nên việc tạo thuận lợi cho đi lại quốc tế và tạo ra thị trường cho du lịch, khách sạn là rất cần thiết.
Ngoài ra, việc tạo thuận lợi cho đi lại quốc tế cũng giúp ích cho các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Các DN có dự án đầu tư FDI mới, DN đầu tư hạ tầng và những dự án khác rất cần nguồn nhân lực là chuyên gia nước ngoài.
Theo ông Chính, với các chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã bắt đầu lập kế hoạch tái mở cửa biên giới an toàn nhằm hỗ trợ việc đi lại cho doanh nhân, chuyên gia và du khách. "Để Việt Nam không bị tụt lại phía sau, chúng tôi đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét làm thế nào để Việt Nam tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững" - ông Chính nói.
Khách quốc tế đến Hà Nội trước dịch Covid-19 (tháng 9-2019)
Chuyên gia này nhận định du lịch Việt Nam có thể bước đầu mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ tháng 7-2021, với thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến tháng 10-2021 trở đi, có thể thí điểm mở cửa thêm thị trường xa như: Úc, Nga, châu Âu...
Ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Dophin Tour, nhận định mở cửa là cần thiết nhưng phải có quy trình kiểm soát chặt chẽ cũng như đợi đánh giá của thị trường quốc tế và hiệu quả của vắc-xin với các biến thể của Covid-19. Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Trung Thành, Tổng Giám đốc Công ty Golden T Travel, chia sẻ vừa mừng vừa lo với "hộ chiếu vắc-xin". "Mừng vì mở cửa sẽ có việc làm nhưng lo vì vấn đề nhân sự bị động do dịch kéo dài và diễn biến dịch bệnh có thể phức tạp" - ông Thành chia sẻ.
Phải an toàn và có lộ trình
Ông Nguyễn Trung Thành cho rằng cần phải có nghiên cứu kỹ về "hộ chiếu vắc-xin". Bởi dù có tiêm vắc-xin, vẫn tiềm ẩn rủi ro trong quá trình di chuyển, tiếp xúc do việc tiêm chủng còn mới bắt đầu, cần có thời gian và lộ trình. Còn ông Phạm Quang Minh nhấn mạnh đến việc phải giám sát chặt chẽ, kiểm tra y tế trước và sau khi du khách đến Việt Nam. Dù có mở cửa đón khách vẫn phải tuyên truyền và áp dụng chặt chẽ "5K" với khách nhập cảnh.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, với tiến trình này, Việt Nam cần có các chính sách yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng, kiểm tra Covid-19 trước các chuyến bay đi và đến. Chính phủ cần có chính sách BHYT du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, qua đó nhằm bảo đảm quyền lợi và sự an toàn của du khách.
"Bộ Tài chính cần cho phép DN bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật" - ông Chính đưa ra các giải pháp. Ông nhấn mạnh TAB sẵn sàng tổ chức các nhóm công tác để làm việc với Chính phủ, các cơ quan liên quan để cùng nhau sáng tạo các cơ chế áp dụng được.
Ông Chính cũng cho rằng cần bắt đầu xây dựng một chương trình quảng bá đến du khách nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường đường dài với một chính sách visa cởi mở, hoàn thiện hơn. "Chính sách miễn visa 30 ngày nên được tiếp tục áp dụng đối với các nước hiện đã được miễn visa và bổ sung thêm Úc, New Zealand, các nước châu Âu còn lại và Ấn Độ" - Tổng Thư ký TAB đề xuất.
Người lao động