Đề xuất tăng giá trần vé máy bay, giá vé sẽ tăng bao nhiêu?
Các hãng bay tốn thêm cả nghìn tỷ đồng chi phí vận chuyển do giá nhiên liệu liên tục tăng cao, vì vậy Cục Hàng không đề xuất cho tăng giá trần vé máy bay nội địa với mức tăng gần 4% so với khung.
- 17-03-2022Giá vé máy bay nhấp nhổm tăng theo giá xăng dầu
- 09-03-2022Vé máy bay và vận tải đường không trên toàn cầu từ nay sẽ không còn rẻ nữa
- 25-02-2022Cuộc sống khó hiểu của Elon Musk: Ở thuê trong căn nhà 30m2 nhưng đi làm bằng máy bay riêng, sở hữu bộ sưu tập siêu xe khủng
Theo thông tin từ Bộ Công thương, Cục Hàng không cho biết đầu năm 2022, do các bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine, giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao đột biến. Thậm chí, giai đoạn cuối tháng 3, khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại, giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.
Cục Hàng không cũng cho biết thời điểm tháng 9/2015, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm từ 84,5 USD/thùng xuống còn 61,6 USD/thùng. Tại Việt Nam, giá Jet A1 giảm khoảng 4,71% so với tháng 12/2014. Thời điểm đó, Cục Hàng không đã ban hành Văn bản số 5010/CHK-TC ngày 11/9/2015 thực hiện điều chỉnh giảm mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng vé phổ thông theo 5 nhóm cự ly vận chuyển, trung bình giảm khoảng 3,5%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các hãng hàng không liên tục chịu sức ép chi phí khi biến động giá Jet A1 tăng cao, trong khi chưa kịp phục hồi sau tác động tiêu cực trong giai đoạn dịch Covid-19, Cục Hàng không cho rằng khung giá vé máy bay cần được xem xét, điều chỉnh tăng cho phù hợp.
Cụ thể, Cục Hàng không đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
So với quy định hiện hành, cơ quan này đề xuất điều chỉnh tăng giá trần đường bay từ 500 - 850km tương đương 2,27%. Đường bay từ 850 - 1.000km tăng khoảng 3,58%. Đường bay từ 1.000 - 1.280km tăng tương đương 6,25%. Cuối cùng, đường bay từ 1.280km trở lên tăng khoảng 6,67%.
Nhóm | Khoảng cách | Mức trần hiện tại (đồng/vé/chiều) | Mức trần đề xuất (đồng/vé/chiều) | Chênh lệch |
---|---|---|---|---|
I | Dưới 500 km | |||
1. | Nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội | 1.600.000 | 1.600.000 | không đổi |
2. | Nhóm đường bay khác dưới 500 km | 1.700.000 | 1.700.000 | không đổi |
II | Từ 500 km đến dưới 850 km | 2.200.000 | 2.250.000 | tăng 50.000 đồng |
III | Từ 850 km đến dưới 1000 km | 2.790.000 | 2.890.000 | tăng 100.000 đồng |
IV | Từ 1000 km đến dưới 1280 km | 3.200.000 | 3.400.000 | tăng 200.000 đồng |
V | Từ 1280 km trở lên | 3.750.000 | 4.000.000 | tăng 250.000 đồng |
Cục Hàng không lý giải thêm, giá vé máy bay nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Các hãng xây dựng và thực hiện kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường… Thông thường, số lượng vé phổ thông được bán với mức giá cao nhất (kịch trần) của các hãng chiếm tỉ trọng rất nhỏ.
"Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, tăng cường các mức giá vé rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích hành khách đi máy bay" - Cục Hàng không nêu rõ.